RONG HỒNG VÂN
RONG HỒNG VÂN
Eucheuma gelatinae
(Esp.) J. Agardh., 1847
Fucus gelatinus
Esp., 1800
Betaphycus gelatinus
(Esper) Doty ex P.C.Silva, 1996
Họ:
Rong kỳ lân Solieriaceae
Bộ: Rong giga Gigartinales
Đặc điểm nhận
dạng:
Tản rong mọc
thành bụi bò sát vật bám và bám chắc trên đá, do bàn bám khá phát triển; tản
rộng 10 - 15cm, chia nhánh không qui tắc. Các nhánh sát vật bám có nhiều mấu
bám. Nhánh dẹt rộng 3 - 5 mm, hai bên mép có nhiều nhánh nhỏ dạng gai; phía mặt
dưới nhánh dẹt có nhiều mụn, mặt trên nhẵn. Các nhánh cài quấn dính vào nhau làm
thành búi như tấm phên (dề). Cắt ngang thân: phần lõi ở giữa gồm những tế bào
dạng sợi nhỏ, vách dầy, sắp xếp dày đặc; phần biểu bì gồm 3 - 4 lớp tế bào nhỏ
chứa sắc tố. Túi bào tử quả hình thành ở phía dưới các nhánh nhỏ dạng gai. Túi
bào tử bốn cắt theo dạng bậc thang.
Sinh học, sinh
thái:
Rong sống nhiều
năm, phát triển tốt nhất từ tháng 3 đến tháng 6, tế bào sinh sản thành thục vào
tháng 4 - 6; tuy nhiên dạng sinh sản dinh dưỡng chiếm ưu thế. Mọc từ vùng triều
thấp đến phần trên của vùng dưới triều, trên đá san hô chết, nơi có sóng, nước
trong, độ muối 28 - 31 %o , độ sâu 1 - 3m; thường tạo thành quần xã với rong
khác như Sargassum spp, Caulerpa spp và cỏ bò biển Thalassia
hemprichii.
Phân bố:
Trong nước:
Thừa Thiên - Huế (Phú Lộc: Lộc Hải), Quảng Nam (Núi Thành), Quảng Ngãi (đảo
Lí Sơn), Khánh Hoà (vịnh Cam Ranh, vịnh Nha Trang), Ninh Thuận (Ninh Hải: Nhơn
Hải, Thái An, Mĩ Hòa, Mĩ Hiệp; vịnh Phan Rang; Ninh Phước: Vĩnh Tường).
Nước ngoài:
Trung Quốc, Nhật Bản, Philippin, Calêđôni, Niu Dilân, Ấn Độ Dương.
Giá trị:
Nguyên liệu chế
biến beta - , gamma - , kappa - , iotacarrageenan axit béo, protein, chất
khoáng (I, N, tro, sulfate); các sắc tố (carotene, chlorophyll a, d, lutein,
phycocyanin, phycoerythrin, zeaxanthin, đường (đơn, đa), tinh bột,
funoran, furcellarin, galactan, mannitol; thức ăn cho động vật, mồi câu cá;
dược liệu ( bệnh ho, chống khối u). Người dân biển có thói quen khai thác làm
thực phẩm (nấu chè, thạch, làm bánh kẹo).
Tình trạng:
Tình trạng nơi cư
trú: Chia cắt, có biến đổi thu hẹp, mức độ biến đổi (ước tính trong 5, 10 năm):
Đã biết: > 50%, nguyên nhân biến đổi nơi cư trú: khai thác quá mức, Chất lượng
nơi cư trú hiện nay (so với trước đây): Suy giảm. Do tác động con người: săn
bắt, thương mại. Nguyên nhân tự nhiên : nước đục ven bờ
Phân hạng:
EN A1a,c,d.
Biện pháp bảo vệ:
Loài đã được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam (1996) với cấp đánh giá
“ bị đe doạ” (Bậc T). Tổ chức khai thác hợp lí sau thời kì sinh sản. Khai thác
đúng mùa vụ (mùa Xuân và đầu mùa Hè). Tổ chức nuôi trồng, mở rộng diện
tích phân bố, nhất là phát triển trồng trọt ở các tỉnh miền Trung từ Đà Nẵng trở
vào phía Nam.
Tài liệu dẫn:
Sách đỏ Việt Nam 2007 - phần thực vật - trang 547.