Trang chủ | Tổng quan | Mẫu gỗ | Vườn quốc gia | English

Từ điển Latin-Việt

TỰ NHIÊN BÍ ẨN

THÔNG TIN MỚI

TRA CỨU THỰC VẬT RỪNG VIỆT NAM

(Hơn 2350 loài thuộc các họ, bộ, nhóm khác nhau)
Cập nhật 20/11/2023

 

 

Tên Việt Nam: Hồi đá vôi
Tên Latin: Illicium difengpi
Họ: Hồi Illiciaceae
Bộ: Hồi Illiciales 
Lớp (nhóm): Cây gỗ nhỏ  
       
 Hình: Phùng Mỹ Trung  
-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
    HỒI ĐÁ VÔI

HỒI ĐÁ VÔI

Illicium difengpi B. N. Chang, 1977

Illicium griffithii Hook.f. & Thoms., (1855)

Họ: Hồi Illiciaceae

Bộ: Hồi Illiciales

Đặc điểm nhận dạng:

Cây bụi hay gỗ nhỏ thường xanh, cao 3 - 5 m, nhẵn. Tất cả các bộ phận của cây, nhất là vỏ rễ đều chứa tinh dầu thơm nhưng không giống mùi của loài Hồi trong (Illicium verum). Phần lớn lá mọc thành chùm ở đầu cành hàng năm. Phiến lá hình bầu dục hay mác ngược, cỡ 8 - 14 x 2,5 - 4 cm, chất da, dày, mặt trên màu lục thẫm và bóng, mặt dưới màu lục nhạt; gân bậc hai 9 - 12 đôi, ít thấy rõ ở cả 2 mặt. Hoa mọc đơn độc ở nách lá, màu hồng. Các mảnh bao hoa ở ngoài cùng màu lục - hồng, vào trong màu hồng rất nhạt; nhị đực nhiều; lá noãn xếp thành một vòng, thường 11 - 13, đôi khi chỉ 8 - 10. Quả thường gồm 11 - 13 đại, đôi khi chỉ 8 - 10, đường kính cỡ 2,8 - 4 cm; đại cỡ 1,5 - 2,3 x 0,8 - 1 x 0,4 - 0,6 cm, có mũi nhọn hoắt và cong lên trên, chứa một hạt màu nâu nhạt, bóng.

Sinh học, sinh thái:

Cây nở hoa tháng 2 - 5, quả chín tháng 10 - 12. Tái sinh bằng hạt ít và chậm. Cây chịu hạn, mọc khá rải rác dưới tán rừng thường xanh nhiệt đới mưa mùa cây lá rộng, hỗn giao cây lá rộng - cây lá kim và thuần loại cây lá kim trên đỉnh và đường đỉnh núi đá vôi, ở độ cao 200 - 1200 m.

Phân bố:

Trong nước: Thường gặp ở hầu hết núi đá vôi của miền Bắc, nhất là ở tả ngạn sông Hồng, từ Lào Cai (Mường Khương), Hà Giang (tất cả các huyện), Tuyên Quang (Na Hang, Chiêm Hóa, Sơn Dương), Cao Bằng (tất cả các huyện), Bắc Kạn (Ba Bể, Chợ Đồn, Nà Rì), Thái Nguyên (Đồng Hỷ, Định Hóa, Võ Nhai), Lạng Sơn (Bình Gia, Bắc Sơn, Hữu Lũng), đến Quảng Ninh, về phía nam qua Hòa Bình (Mai Châu, Yên Thủy, Lạc Thủy), Hà Nam (Kim Bảng), Ninh Bình (Nho Quan) đến Thanh Hóa (Bá Thước, Hồi Xuân).

Nước ngoài: Trung Quốc.

Giá trị:

Vỏ thân và nhất là vỏ rễ là mặt hàng làm thuốc.

Tình trạng:

Loài có khu phân bố rộng với số lượng cá thể khá nhiều. Nhưng từ vài năm gần đây bị chặt để đẽo vỏ và nhất là đào rễ xuất khẩu làm cho số lượng cây, nhất là ở các tỉnh gần với Trung Quốc như Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn và Tuyên Quang bị giảm sút nhanh chóng.

Phân hạng: VU B1+2b,c,e.

Biện pháp bảo vệ:

Cần nghiêm cấm việc khai thác đồng thời bảo tồn các quần thể còn sót lại ở tất cả các Khu Bảo tồn thiên nhiên trên núi đá vôi ở phía Bắc.

 

Tài liệu dẫn: Sách đỏ Việt Nam 2007 - phần thực vật - trang 238.

 

 

 

Bản đồ phân bố của loài:

 

Hồi đá vôi

 

 

 
 

 


Giới thiệu | Tra cứu | Danh pháp | Diễn đàn | Liên hệ | Văn Bản | Trợ giúp | SVR Mobile

Mọi chi tiết xin liên hệ Admin website Sinh vật rừng Việt Nam
© Ghi rõ nguồn '
Sinh vật rừng Việt Nam' khi bạn phát hành lại thông tin từ Website này