BÁCH BỘ ĐỨNG
BÁCH BỘ ĐỨNG
Stemona saxorum
Gagnep. 1934.
Họ: Bách bộ Stemonaceae
Bộ:
Củ nâu Dioscoreales
Đặc điểm nhận dạng:
Cây nhỏ, mọc đứng, cao
20 - 40 cm hoặc hơn; phân nhánh, có lông nâu thưa. Rễ củ mọc thành chùm (10 -
15củ), nạc. Lá phía dưới tiêu giảm thành vảy, dài 5 - 7mm. Lá phía trên mọc so
le, cuống dài 3 - 5 cm, có lông nâu; phiến lá hình tim, đầu nhọn, cỡ 11 - 19 x 6
- 14 cm. Gân 9 - 13 cái, hình cung, rõ ở mặt dưới. Cụm hoa ở kẽ lá, gần như
không cuống, 4 - 5 lá bắc; phía trên còn có 3 - 6 lá bắc nhỏ, hình mác, có lông
mịn ở mặt lưng. Hoa dài khoảng 1cm, màu lục; bao hoa gồm 4 mảnh, 2 cái ngoài
hình dải, nhọn, có 7 gân; 2 cái trong hình thuôn, có lông, 9 gân. Nhị 4, giống
nhau, dài 11 mm; bao phấn dài 3mm; trung đới hình dải, lượn sóng, đầu nhọn, dài
7mm. Bầu hình tháp; vòi nhuỵ không rõ ràng. Noãn 4, đứng. Quả nang, khi chín
tách thành 2 mảnh. Hạt nhỏ.
Sinh học và sinh thái:
Mùa hoa tháng 3 - 4,
quả tháng 4 - 7. Gieo giống tự nhiên bởi hạt. Sau khi bị chặt phá, phần còn lại
vẫn có khả năng tái sinh. Cây ưa ẩm, chịu bóng và hơi ưa sáng. Thường mọc rải
rác ở ven rừng ẩm, dọc hành lang ven suối ở cửa rừng, ở độ cao đến 600 m.
Phân bố:
Trong nước:
Hoà Bình (Lương Sơn), Ninh Bình (Hoa Lư, Cúc
Phương), Thanh Hoá (Đông Sơn).
Thế giới: Thái Lan,
Lào.
Giá trị:
Nguồn gen tương đối
hiếm đối với Việt Nam. Rễ củ làm thuốc tẩy giun và diệt côn trùng.
Tình trạng:
Các điểm phân bố có số
cá thể ít. Môi trường sống bị xâm hại do nạn phá rừng làm nương rẫy.
Phân hạng: VU
B1+2 b,c
Biện pháp bảo vệ:
Bảo vệ triệt để những
cá thể hiện có ở Vườn Quốc gia Cúc Phương. Đã được đưa vào Sách Đỏ Việt Nam
(1996). Thu thập về nghiên cứu trồng và bảo tồn ngoại vi (Ex situ).
Tài liệu dẫn: Sách
đỏ Việt Nam năm 2007 - phần thực vật – trang 485.