Trang chủ | Tổng quan | Mẫu gỗ | Vườn quốc gia | English

Từ điển Latin-Việt

TỰ NHIÊN BÍ ẨN

THÔNG TIN MỚI

TRA CỨU THỰC VẬT RỪNG VIỆT NAM

(Hơn 2350 loài thuộc các họ, bộ, nhóm khác nhau)
Cập nhật 20/11/2023

 

 

Tên Việt Nam: Lan hài hồng
Tên Latin: Paphiopedilum delenatii
Họ: Phong lan Orchidaceae
Bộ: Măng tây Asparagales 
Lớp (nhóm): Lan đất  
       
 Hình: Phùng Mỹ Trung  
-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
    LAN HÀI HỒNG

LAN HÀI HỒNG

Paphiopedilum delenatii Guillaum. 1925

Cypripedium delenatii (Guillaum.) C.H. Curtis, 1931

Họ: Phong lan Orchidaceae

Bộ: Phong lan Orchidales

Đặc điểm nhận dạng:

Cỏ lâu năm, có 5 - 7 lá thường mọc chùm. Lá hình thuôn - bầu dục, cỡ đến 11 x 4 cm, mặt trên loang lổ các khoang màu lục nhạt và màu lục thẫm, mép có lông ở gần gốc, mặt dưới màu vàng nâu với nhiều chấm hay khoang màu tía. Cuống cụm hoa dài đến 22 cm, thường mang 1 (- 2), rất ít khi 3 hoa. Lá bắc hình trứng - bầu dục, cỡ 1,2 - 1,5 x 1 cm, có lông ngắn. Hoa thường màu hồng nhạt với môi màu hồng tía hay tía - hồng, rộng đến 8 cm; dạng hoa màu trắng gặp rất ít. Lá đài ở gần trục hoa hình trứng, cỡ 1,7 - 3,5 x 1,8 - 2,5 cm; lá đài kia cũng hình trứng, cỡ 1,9 - 3 x 1,4 - 2,9 cm; cánh hoa hình bầu dục rộng, cỡ 3 - 4,2 x 2,4 - 3,8 cm; môi gần hình cầu, cỡ 2,5 - 3,8 x 2,5 - 3 cm, mép cuốn vào trong và có lông; nhị lép hình trứng, cỡ 1,4 - 1,7 x 1,3 - 1,6 cm, có lông mép; bầu dài đến 5,5 cm, có lông cứng và nhiều chấm màu tía.

Sinh học, sinh thái:

Mùa hoa tháng 12. Tái sinh bằng hạt. Mọc rải rác dưới tán rừng nguyên sinh rậm thường xanh nhiệt đới mưa mùa cây lá rộng, trên núi đá granít, ở độ cao 750 - 1300 m, trong các khe nứt hay hốc đá ẩm, ít đất ở các vách dốc đứng gần suối.

Phân bố:

Trong nước: Khánh Hòa (Khánh Vĩnh: sườn núi Hòn Giao) và giáp ranh với Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà, Lâm Đồng.

Nước ngoài: Không có.

Giá trị:

Loài đặc hữu rất hẹp của phần nam dãy núi Trường Sơn. Loài cây làm cảnh rất quý, được trồng từ lâu vì có hoa đẹp duyên dáng, hài hòa với toàn bộ cây. Dạng hoa hoàn toàn trắng với đốm vàng nâu ở giữa nhị lép và lá màu vàng lục nhạt không có chấm tía (chỉ gần đây mới đôi khi gặp trong tự nhiên), có giá trị lớn trong việc lai tạo các dạng Hài đỏ mới.

Tình trạng:

Loài vốn có khu phân bố rất hẹp và nơi cư trú bị chia cắt rải rác, lại bị thu ồ ạt để xuất khẩu lậu qua biên giới đến vài tấn vào giữa những năm 90 của thế kỷ XX. Ngay từ cuối những năm 1990 đã bị lâm vào tuyệt chủng một cách trầm trọng. Một số rất ít cây còn sót lại rất rải rác ở các khe núi khuất và cao cũng khó thoát khỏi nguy cơ bị tận thu.

Phân hạng: CR A1c,d+2d, B1+2b,c,e.

Biện pháp bảo vệ:

Loài đã được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam (1996) với cấp đánh giá “bị de dọa” (T) đã liệt kê vào Phụ lục 1 của công ước CITES và Danh mục Thực vật rừng, Động vật rừng quý, hiếm (nhóm 1) của nghị định số 32/2006/ NĐ - CP ngày 30 tháng 3 năm 2006 để nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại. Bảo vệ trong Khu bảo tồn thiên nhiên Bì Đúp, trong đó có núi Hòn Giao. Cần nhân rộng việc gieo ươm để vừa tạo nguồn cây làm cảnh đồng thời bảo vệ nguồn gen.

 

Tài liệu dẫn: Sách đỏ Việt Nam 2007 - phần thực vật - trang 458.

 

 

 

Bản đồ phân bố của loài:

 

Lan hài hồng

 

 

 
 

 


Giới thiệu | Tra cứu | Danh pháp | Diễn đàn | Liên hệ | Văn Bản | Trợ giúp | SVR Mobile

Mọi chi tiết xin liên hệ Admin website Sinh vật rừng Việt Nam
© Ghi rõ nguồn '
Sinh vật rừng Việt Nam' khi bạn phát hành lại thông tin từ Website này