Trang chủ | Tổng quan | Mẫu gỗ | Vườn quốc gia | English

Từ điển Latin-Việt

TỰ NHIÊN BÍ ẨN

THÔNG TIN MỚI

TRA CỨU THỰC VẬT RỪNG VIỆT NAM

(Hơn 2350 loài thuộc các họ, bộ, nhóm khác nhau)
Cập nhật 20/11/2023

 

 

Tên Việt Nam: Bình vôi hoa đầu
Tên Latin: Stephania cepharantha
Họ: Tiết dê Menispermaceae
Bộ: Mao lương Ranunculales 
Lớp (nhóm): Cây thuốc  
       
 Hình: Sách đỏ Việt Nam  
-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
    BÌNH VÔI HOA ĐẦU

BÌNH VÔI HOA ĐẦU

Stephania cepharantha Hayata, 1913

Stephania tetrandra var. glabra Maxim, 1833

Stephania disciflora Hand - Mazz., 1931

Họ: Tiết dê Menispermaceae

Bộ: Mao lương Ranunculales

Đặc điểm nhận dạng:

Dây leo thân cỏ, có rễ phình to thành củ. Lá đơn, nguyên, mọc cách, ở trên cuống dài 6 - 10 cm; phiến lá hình tam giác tròn đến gần tròn, đường kính 5 - 11 cm, chóp lá thường có mũi ngắn, gốc lá bằng hoặc hơi lõm; gân hình chân vịt gồm 9 - 11 chiếc đều xuất phát từ điểm đính của cuống lá. Cụm hoa dạng đầu, do nhiều xim tán có cuống rất ngắn hợp thành. Hoa đơn tính khác gốc. Hoa đực có 6 lá đài hình thìa xếp thành 2 vòng; cánh hoa màu vàng cam, hình quạt tròn cong dạng vỏ hến. Nhị dính thành cột nhỏ, cao khoảng 3 mm. Hoa cái có 1 lá đài và 2 cánh hoa; lá đài hình trái xoan tròn hoặc hình trứng; cánh hoa hình quạt tròn, màu vàng cam. Bầu hình trứng có vòi xẻ 4 - 5 thuỳ dạng sợi hoặc hình dùi. Quả hình trứng ngược, dài 7 mm, rộng 5 mm, hơi dẹt ở 2 bên. Hạt hình móng ngựa tròn dẹt, không có lỗ thủng ở giữa; trên lưng hạt có 4 hàng vân dạng hạt, mỗi hàng gồm 15 - 16 hạt.

Sinh học, sinh thái:

Mùa ra hoa kết quả tháng 2 - 8. Cây ưa sáng và ẩm, nhưng cũng có khả năng chịu được nắng hạn và chịu bóng; thường mọc trong rừng thứ sinh vùng núi đá vôi, ở độ cao tới 1300 m.

Phân bố:

Trong nước: Quảng Ninh (Cẩm Phả), Hoà Bình (Kỳ Sơn).

Nước ngoài: Trung Quốc (Quảng Tây, Quảng Đông), Đài Loan.

Giá trị:

Nguồn gen hiếm. Rễ dùng làm thuốc an thần, gây ngủ; còn được dùng làm thuốc thanh nhiệt, giải độc, tiêu phù, giảm đau.

Tình trạng:

Loài có khu phân bố chia cắt, sống ở vùng núi đá vôi, nơi cư trú bị xâm hại do nạn chặt phá rừng; điểm phân bố ở Quảng Ninh đang bị tàn phá (khai thác đá). Cây bị đào rễ để làm thuốc. Nguy cơ tuyệt chủng cao.

Phân hạng: EN A1a,b,c,d.

Biện pháp bảo vệ:

Loài đã được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam (1996) với cấp đánh giá “sẽ nguy cấp” (Bậc V) và Danh mục Thực vật rừng, Động vật rừng nguy cấp, quý hiếm (nhóm 2) của Nghị định số 32/2006/NĐ - CP ngày 30/3/2006 của Chính phủ để hạn chế khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại. Bảo vệ triệt để các điểm còn loài tồn tại. Thu thập giống trồng bảo tồn ngoại vi (Ex - situ).

 

Tài liệu dẫn: Sách đỏ Việt Nam 2007 - phần thực vật - trang 285.

 

 

 

Bản đồ phân bố của loài:

 

Bình vôi hoa đầu

 

 

 
 

 


Giới thiệu | Tra cứu | Danh pháp | Diễn đàn | Liên hệ | Văn Bản | Trợ giúp | SVR Mobile

Mọi chi tiết xin liên hệ Admin website Sinh vật rừng Việt Nam
© Ghi rõ nguồn '
Sinh vật rừng Việt Nam' khi bạn phát hành lại thông tin từ Website này