BÌNH VÔI NHỊ NGẮN
Stephania brachyandra
Diels, 1910
Họ: Tiết dê Menispermaceae
Bộ: Mao lương Ranunculales
Đặc
điểm nhận dạng:
Dây
leo nhỏ, sống nhiều năm. Rễ củ to (củ), hình dạng bất định. Thân leo dài 2 - 3m
hoặc hơn, nhẵn. Lá mọc so le; có cuống, đính trong phiến lá thành dạng hình
khiên. Phiến lá hình trứng nhọn hoặc gần giống hình tam giác tròn, 6 - 14 x 5 -
10 cm; đầu nhọn, gốc bằng hoặc hơi lồi. Gân chính dạng chân vịt, xuất phát từ
chỗ đính của cuống lá. Hoa đơn tính khác gốc. Cụm hoa cái do 7 - 9 xim tán nhỏ
hợp thành; cuống cụm hoa 2 - 3 cm, đầu hơi phồng to. Hoa có cuống rất ngắn, mọc
xít nhau ở đầu cuống cụm hoa; hoa nhỏ, 1 lá đài và 2 cánh hoa xếp cùng một bên
của hoa; lá đài màu lục nhạt, hình mác rộng; cánh hoa hình trứng ngược, màu vàng
cam. Bầu hình trứng, hơi cong; núm nhuỵ 4 - 5, dạng gai nhỏ. Quả hình trứng
rộng, hơi dẹt, 0,7 - 0,8 x 0,6 - 0,7cm. Hạt hình trứng ngược, dẹt, cụt đầu, có
lỗ ở giữa; trên lưng có 4 hàng gai ngắn dạng mũ đinh. Chưa thấy hoa đực.
Sinh học, sinh thái:
Mùa
hoa tháng 5, quả tháng 6 - 8. Mọc chồi thân và từ cổ rễ vào đầu mùa xuân. Sau
khi bị chặt phá, phần còn lại vẫn có khả năng tái sinh. Trồng được bằng hạt hoặc
từ các cây con thu thập trong tự nhiên. Cây ưa ẩm, ưa sáng hay hơi chịu bóng; ưa
vùng có khí hậu quanh năm ẩm mát. Thường mọc ở rừng kín thường xanh còn nguyên
sinh hay đã trở nên thứ sinh, trên núi đất hoặc đất lẫn đá, ở độ cao từ 800 -
2000 m.
Phân bố:
Trong nước: Lai Châu (Phong Thổ), Lào Cai (Sapa), Sơn La (Phù Yên).
Nước ngoài:
Trung Quốc (Vân Nam), Myanmar.
Giá
trị:
Nguồn gen tương đối hiếm đối với Việt Nam. Rễ củ (củ) có hoạt chất dùng làm
thuốc an thần, giảm đau. Là loài có hoạt chất với hàm lượng cao so với các loài
bình vôi khác hiện có ở Việt Nam.
Tình trạng:
Đã
bị khai thác nhiều cùng với các loài bình vôi khác để làm thuốc. Môi trường sống
bị huỷ hoại và thu hẹp do nạn phá rừng (Sapa, Phù Yên). Hiện đã trở nên hiếm
gặp, nguy cơ bị tuyệt chủng cao.
Phân hạng: EN
A1d, B1+2e
Biện pháp bảo vệ:
Loài đã được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam (1996) với cấp đánh giá “hiếm” (Bậc R)
và Danh mục Thực vật rừng, Động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm (nhóm 2) của Nghị
định số 32/2006/NĐ - CP ngày 30/3/2006 của Chính phủ để hạn chế khai thác, sử
dụng vì mục đích thương mại. Bảo vệ quần thể mọc tự nhiên ở Vườn quốc gia Hoàng
Liên. Đã thu thập được một số cá thể trồng tại vườn Trại thuốc Sapa (Viện dược
liệu). Cây sinh trưởng phát triển tốt. Có triển vọng trong bảo tồn ngoại vi (Ex
situ).
Tài liệu dẫn:
Sách đỏ Việt Nam 2007 - phần thực vật - trang 284.