BÁT GIÁC LIÊN
BÁT GIÁC LIÊN
Podophyllum
tonkinense
Gagnep. 1938.
Họ: Hoàng mộc Berberidaceae
Bộ:
Mao lương Ranunculales
Đặc điểm nhận dạng:
Cây
thân thảo sống nhiều năm, cao 30-50 cm. Thân rễ thô, gồm nhiều cục tạo thành
chuỗi, mọc ngang. Thân thường mang 1-2 lá, có cuống.
Phiến lá rộng 20-30 cm; cuống lá đính gần ở giữa; có 6-8 thuỳ nông, thuỳ tam
giác rộng hoặc dạng trứng, đỉnh thuỳ nhọn; mép lá có răng cưa nhỏ. Hoa gồm 5-9
cái, màu nâu tím, có cuống, mọc ở gần gốc lá, rủ xuống. Hoa có 6 lá đài, mặt
ngoài có lông. Cánh hoa 6, hình thuôn, tròn đầu. Nhị 6, ngắn hơn cánh hoa. Bầu
thuôn; đầu nhuỵ to.
Quả mọng, hình bầu dục hoặc hình trứng. Hạt nhiều, nhỏ.
Sinh học và sinh thái:
Mùa hoa tháng 3-5, quả
tháng 5-8(9). Nhân giống tự nhiên từ hạt. Phần trên mặt đất lụi hàng năm vào mùa
đông, đến đầu mùa xuân năm sau từ thân rễ mọc lên chồi thân mới.
Cây đặc biệt ưa ẩm, ưa bóng; thường mọc trên
đất nhiều mùn, gần khe suối, dưới tán rừng kín thường xanh ẩm, đặc biệt là ở
rừng núi đá vôi, ở độ cao từ 800-1000 m.
Phân bố:
Trong nước: Lai Châu,
Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Bắc Kạn (Chợ Rã), Lạng Sơn (núi Khau Khú), Thái
Nguyên, Hà Tây (núi Ba Vì), Hoà Bình (Đà Bắc: Chợ Bờ).
Thế giới: Trung Quốc (Quảng
Tây, Vân Nam).
Giá trị:
Nguồn gen hiếm (hoa
mọc dưới lá) ở Việt Nam.
Thân
rễ, lá hoặc cả cây đều được dùng làm thuốc chữa rắn cắn, ung nhọt, giải độc,
tiêu phù... Rễ và thân rễ cũng có berberin.
Tình trạng:
Bị khai thác để làm
thuốc hoặc bị tàn phá do nạn phá rừng. Một số điểm phân bố trước kia, như Quản
Bạ (Hà Giang), Phia Bióoc (Cao Bằng), Chợ Bờ (Hoà Bình)... nay đã bị mất. Hiện
đã trở nên hiếm rõ rệt.
Phân hạng: EN
A1a,c,d
Biện pháp bảo vệ:
Loài đã được ghi trong
Sách Đỏ Việt Nam (1996) với cấp đánh giá "đang nguy cấp" (E). Nay cần điều tra
cụ thể hơn ở Vườn quốc gia Ba Vì, bảo vệ triệt để. Mở rộng điều tra vùng rừng
thuộc
Vườn quốc gia Ba Bể và một vài nơi khác thuộc tỉnh Bắc Kạn để phát hiện thêm.
Thu thập hạt hoặc cây con về trồng, nghiên cứu bảo tồn ngoại vi (Ex situ) nhằm
đảm bảo sự an toàn hơn.
Tài liệu dẫn:
Sách đỏ Việt Nam năm 2007 – Phần
thực vật – Trang 134.