GÙ HƯƠNG
GÙ HƯƠNG
Cinnamomum balansae
Lecomte, 1913
Họ: Long não Lauraceae
Bộ: Long não Laurales
Đặc điểm nhận
dạng:
Cây gỗ lớn,
thường xanh, cao tới 50 m, đường kính thân 0,7 - 1,2 m; cành nhẵn, màu hơi đen
khi khô. Lá mọc cách, dai, hình trứng, dài 9 - 11 cm, rộng 4 - 5 cm, thót nhọn
về hai đầu; gân bậc hai 4 - 5 đôi; cuống lá dài 2 - 3 cm, nhẵn. Cụm hoa chuỳ, ở
nách lá, dài 4 - 5 cm, phủ lông ngắn màu nâu; cuống hoa dài 1 - 4 mm, phủ lông;
bao hoa 6 thuỳ, có lông; nhị hữu thụ 9, bao phấn 4 ô; 3 nhị vòng trong cùng mỗi
nhị có 2 tuyến; nhị lép 3, hình tam giác, có chân; bầu hình trứng, nhẵn, vòi
ngắn, núm hình đĩa. Quả hình cầu, đuờng kính 8 - 10 mm, đính trên đế hoa hình
chén.
Sinh học, sinh
thái:
Mọc trong các khu
rừng thường xanh ở độ cao từ 600 - 900 m. Mùa hoa vào tháng 1 - 5, mùa quả chín
tháng 6 - 9. Tái sinh bằng hạt hoặc giâm cành.
Phân bố:
Trong nước: Hà
Tây (Ba Vì), Ninh Bình (Cúc Phương).
Nước ngoài: Không
có.
Giá trị:
Loài đặc hữu của
Việt Nam. Trong thân và lá có tinh dài với thành phần chính là long não. Hạt
chứa dầu béo. Gỗ tốt, không bị mối mọt, có mùi long não nên được ưa chuộng để
đóng các đồ đạc trong nhà như tủ, bàn ghế.
Tình trạng:
Vốn là loài hiếm
và tái sinh kém, thường lại bị chặt lấy gỗ để sử dụng, nên loài đã hiếm lại càng
trở nên hiếm hơn. Đặc biệt là những cây có đường kính lớn.
Phân hạng: VUA1c
Biện pháp bảo
vệ:
Loài đã được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam (1996) với cấp đánh giá
“hiếm” (Bậc R) và Danh mục Thực vật rừng, Động
vật rừng nguy cấp, quý hiếm (nhóm 2) của Nghị định số 32/2006/NĐ - CP ngày
30/3/2006 của Chính phủ để hạn chế khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại.
Đã được bảo vệ nguyên vẹn trong Vườn quốc gia Cúc Phương.
Tài liệu dẫn:
Sách đỏ Việt Nam 2007 - phần thực vật - trang 225.