CHÈ SỐP
TRÀ
SỐP
Camellia fleuryi
(A. Chev.) Sealy, 1949
Thea fleuryi
A. Chev. 1919
Họ: Chè Theaceae
Bộ: Chè Theales
Đặc điểm nhận dạng:
Cây bụi hoặc cây gỗ. Cành non nhỏ,
nhẵn, màu nâu nhạt sau chuyển sang màu xám nhạt. Lá chất màng, hình ngọn giáo
hoặc hình bầu dục nhọn, dài 7 - 11 cm, rộng 3,5 - 3,7 cm, rất nhẵn trên cả 2
mặt; chóp lá nhọn thành đuôi hơi cong dạng lưỡi liềm; gốc lá hình nêm hoặc hình
nêm rộng; mép lá có răng cưa tù, thưa, các răng cách nhau 3 - 7 mm; gân giữa
chìm và hơi rõ ở mặt trên, gân bên 6 - 7 đôi, cong và nối nhau gần mép; gân cấp
3 hơi rõ ở tận mép, mặt trên màu xanh thẫm và phẳng, mặt dưới lá màu xanh nhạt,
khi khô có màu đỏ nhạt; cuống lá mảnh, dài 7 - 10 mm, rất nhẵn, mặt trên có
rãnh. Hoa mọc ở nách lá hoặc đầu cành, rộng khoảng 3 cm, gần không cuống.
Lá bắc - đài (Perules) 8 - 9, những
lá ngoài hình lưỡi liềm, dài 3 mm, những lá trong hình gần tròn và dài khoảng
1,2 cm, nhẵn ở mặt lưng, có lông màu vàng rơm ở mặt trong, mép có lông mi và tồn
tại trên quả. Cánh hoa 5, dính nhau ở gốc, màu vàng nhạt, hình trứng ngược đến
hình trái xoan, dài 11 - 15 mm, rộng 6 - 10 mm, khá dai với viền mép dạng cánh
màng, có lông tơ mượt trên 2 mặt. Nhị dài 8 - 10 mm, nhẵn; bao phấn hình tròn,
rộng 1,3 mm; chỉ nhị dài 12 mm, nhẵn, rời nhau, trừ vòng ngoài. Bầu gần hình
cầu, cao khoảng 2,5 mm, nhẵn, phân thùy, 3 ô; vòi nhụy 3, khá mập, rời từ gốc,
dài 6,5 mm. Quả nang, hình cầu dẹt, hơi lõm ở chóp, hơi phân thùy, cỡ 2,5 x 3,8
cm; vỏ quả màu xám, có vảy cám màu nâu.
Sinh học, sinh thái:
Mùa hoa tháng 9, ra quả kéo dài tới
tháng 5 - 6 năm sau. Cây mọc ở trong rừng kín thường xanh, ở độ cao 800 m.
Phân bố:
Trong nước: Vĩnh Phúc (Tam Đảo),
Khánh Hòa (Nha Trang: Hòn Bà; Diên Khánh).
Nước ngoài: Chưa biết.
Giá trị:
Nguồn gen hiếm, độc đáo: vỏ quả
thuộc dạng có vảy cám, hoa vàng nhạt, có thể trồng làm cảnh.
Tình trạng:
Loài phân bố hẹp và bị chia cắt. Có
thể bị tuyệt chủng khi rừng bị phá.
Phân hạng:
EN A1c,d, B1+2b,c,e.
Biện pháp bảo vệ:
Loài đã được ghi trong
Sách Đỏ Việt Nam (1996) với cấp đánh giá
“ bị đe doạ” (Bậc T). Đề nghị khoanh bảo vệ loài trong tự nhiên, không chặt phá.
Đưa về trồng để giữ nguồn gen và nhân trồng làm cảnh. Điều tra thêm về khu phân
bố và sinh cảnh.
Tài liệu dẫn:
Sách đỏ Việt Nam 2007 - phần thực vật - trang 344.