BIẾN HOÁ NÚI CAO
BIẾN HOÁ NÚI CAO
Asarum
balansae
Franch. 1898.
Họ Mộc hương
Aristolochiaceae
Bộ:
Mộc hương
Aristolochiales
Đặc điểm nhận dạng:
Cây
thân thảo sống nhiều năm, cao 10 - 20 cm. Thân rễ tròn, có đốt ngắn, thường
phân nhánh; mang nhiều rễ con, dài, vò nát có mùi thơm đặc biệt. Lá gồm 2
- 6 cái,
mọc so le; có cuống, dài 5 - 15 cm, có lông;
phiến lá dày, hình tim tròn 10 - 12 x 6 - 8cm, có lông cả 2 mặt, ở mặt trên còn
có những túm lông ngắn; mép nguyên. Hoa 1 - 2 cái mọc riêng lẻ ở kẽ lá hoặc ở
ngọn, hoa có cuống, có lông, thường mọc cong lên. Bao hoa màu nâu nhạt, có đốm
trắng, đầu chia thành 3 thuỳ, hình mác rộng. Nhị 12,
chỉ nhị ngắn, trung đới hình mác và vượt lên trên bao phấn. Vòi nhuỵ hình
ống, ở đỉnh tạo thành 6 đầu nhuỵ. Quả phát triển trong bao hoa tồn tại, bên
ngoài có những hàng lông chạy dọc. Hạt nhỏ, màu đen, nhẵn.
Sinh học,
sinh
thái:
Mùa hoa tháng 3
- 4, quả
tháng 4 - 7. Nhân giống tự nhiên chủ yếu từ hạt; Cây con mọc từ hạt đã quan sát
thấy vào tháng 5, ở xung quanh gốc cây mẹ. Từ thân rễ mọc ra các nhánh, có rễ,
có thể tách ra để trồng. Cây ưa ẩm, hơi chịu bóng; thường mọc ở các hốc đá, trên
đất nhiều mùn ở ven rừng núi đá vôi ẩm, ở độ cao từ 700
- 1500 m.
Phân bố:
Trong nước: Hà giang
(Phó Bảng), Cao Bằng (Quảng Hoà), Hà Tây (Ba Vì).
Thế giới: Trung Quốc,
Nhật Bản.
Giá trị:
Nguồn gen quý hiếm. Rễ
và thân rễ dùng làm thuốc ho, chữa viêm phế quản, cảm sốt và tê thấp.
Tình trạng:
Cả hai điểm phân bố
trên đều có số lượng cá thể rất ít. Rất dễ bị rủi ro, do nơi mọc ở ven rừng,
cạnh lối đi. Đợt điều tra năm 2000 tại Phó Bảng
- Hà Giang đã không tìm lại được
một cá thể nào ở điểm đã phát hiện cũ trước kia. Điểm ở Ba Vì (Hà Tây) chưa có
điều kiện kiểm chứng.
Phân hạng: EN
A1c,d, B1+ 2b,c.
Biện pháp bảo vệ:
Loài đã được ghi trong
Sách Đỏ Việt Nam (1996) với cấp đánh giá "đang nguy cấp"(E) và Danh mục Thực
vật rừng, Động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm (nhóm 2) của Nghị định số 32/2006/NĐ
- CP ngày 30/3/2006 của Chính phủ để hạn chế khai thác, sử dụng vì mục đích
thương mại. Cần khảo sát lại ở Quảng Hoà (Cao Bằng), mở rộng điều tra ở Phó Bảng
(Hà Giang) để xác định hiện trạng. Nghiên cứu trồng tại các vườn thuốc, nhằm bảo
tồn ngoại vi (Ex situ).
Tài liệu dẫn:
Sách đỏ Việt Nam 2007 trang 94.