TRẦM HƯƠNG
TRẦM HƯƠNG
Aquilaria crassna
Pierre ex Lecomte, 1914
Aquilaria
agallocha
auct., non
Roxb., (1824)
Họ
Trầm Thymelaeaceae
Đặc điểm nhận
dạng:
Cây gỗ to, thường
xanh, cao đến 15 - 20 m, có khi tới 30 m, đường kính 40 - 50 cm hay hơn. Vỏ màu
nâu xám, nứt dọc, dễ bóc. Cành có lông, có màu nâu sẫm với các lỗ khí trên phần
già. Chồi ngọn có lông màu vàng nhạt. Tán lá thưa. Lá hình trứng thuôn, bầu dục
hay hình giáo dài, cỡ 8 - 9 cm x 3,5 - 5,5 cm, mặt trên màu xanh bóng, mặt dưới
màu nhạt hơn và có lông mịn, chóp lá có mũi nhọn, gốc lá nhọn hoặc tù, mép
nguyên, gần dai; gân bên 15 - 18 đôi mảnh, không đều, tận cùng thành mép dày và
hơi cuộn lại; gân cấp 3 rất mảnh, rõ; cuống lá dài 4 - 5 mm, có lông nhẹ. Hoa
nhỏ, mọc thành cụm hình tán ở nách lá gần đầu cành non, màu vàng nhạt; cuống hoa
dài 0,6 - 1 cm, có lông mỏng. Đài hình chuông, nông, 5 thùy, có lông.
Phần phụ cánh hoa
dạng trứng, dài 1 mm, có lông rậm, và đính ở họng đế hoa. Cánh hoa 10. Nhị 10,
xếp trên hai vòng; ô phấn thuôn, dài 1 mm, nhẵn; chỉ nhị dài 1 mm, nhẵn. Bầu
hình trứng, có lông, cao 2,5 - 4,5 mm, 2 ô, mỗi ô 1 noãn treo; vòi nhụy ngắn 0,7
- 1 mm, có lông; núm hình đầu, màu đen nhạt, gốc bầu có tuyến mật. Quả nang hình
trứng ngược, dài 4 cm, rộng 3 cm, khi khô nứt làm hai mảnh, cứng, có lông mềm
màu vàng xám, mang đài tồn tại. Cuống quả dài 1 cm. Hạt 1.
Sinh học, sinh
thái:
Ra hoa tháng 2 -
4, quả chín tháng 5 - 7. Khả năng tái sinh tốt nơi sáng, nhưng cây mạ ít gặp
dưới tán rừng rậm, thường chỉ gặp nơi có ánh sáng trong rừng hoặc ven rừng. Cây
thường mọc rải rác trong rừng kín thường xanh, ở độ cao 300 - 1000 m. trên sườn
dốc và thoát nước. Ưa đất feralit điển hình hay feralit núi phát triển trên đá
kết, đá phiến, hoặc đá granit, tầng đất trung bình hoặc mỏng, hơi ẩm, độ pH biến
động từ 4 - 6.
Phân bố:
Trong nước: Hà
Giang, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa
Thiên - Huế, Quảng Nam, Lâm Đồng, Khánh Hoà, Bình Thuận và tận Kiên Giang (đảo
Phú Quốc), tập trung nhiều từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận.
Nước ngoài:
Thái Lan, Lào, Campuchia.
Giá trị:
Vỏ
cây có sợi thường dùng buộc, làm nguyên liệu giấy, làm dây. Gỗ nhẹ, có mùi thơm,
không bền vì mối mọt, ít được dùng làm đồ gia dụng, nhưng đặc biệt khi cây gỗ bị
nhiễm nấm Cryptosphaerica mangifera sẽ tạo thành Trầm, có mùi thơm đặc
biệt. "Trầm" hay còn gọi là "Trầm hương", "Kỳ Nam" là một sản vật quý, dùng làm
hương liệu hay chưng cất tinh dầu. "Trầm hương" còn được dùng làm thuốc an thần,
chữa trị một số bệnh như ngộ gió, đau bụng, ỉa chảy, đau dạ dày, nôn mửa, hen
suyễn, lao, trị rắn cắn.
Tình trạng:
Do
có giá trị kinh tế cao nên cây Trầm hương đã bị chặt phá hết sức bừa bãi để tìm
kiếm "Trầm". Mặc dù cây có vùng phân bố tương đối rộng, nhưng với mức độ khai
thác ồ ạt, thêm vào đó là nạn phá rừng đã làm cho nguồn Trầm hương ở Việt Nam
giảm sút rõ rệt. Hiện nay hầu như không tìm
thấy những cây lớn trong tự nhiên. Đã trồng được khoảng 10.000 ha.
Phân hạng: EN
A1
c,d, B1+ 2b,c,e
Biện pháp bảo vệ:
Loài đã được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam (1996) với cấp đánh giá
“đang nguy cấp” (Bậc E). Cần có kế hoạch bảo vệ triệt để các cây Trầm hương hiện
có trong các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên. Cần đi sâu nghiên cứu cụ
thể hơn nữa quá trình tạo thành "Trầm".
Tài liệu dẫn:
Sách đỏ Việt Nam 2007 - phần thực vật - trang 349.