New Page 1
QUẢ ĐẦU NGỖNG
Anaxagorea
luzonensis
A. Gray, 1854.
Anaxagorea zeylanica
Hook. f. & Thoms. l855
Anaxagorea fruticosa
Scheff. 1869.
Họ: Na Annonaceae
Bộ: Na Annonales
Đặc điểm nhận
dạng:
Cây bụi, cao 1-2
m. Lá hình mác, cỡ (8)12-15(17) x (3)4-5(7) cm, nhẵn.
Hoa mọc đơn độc hay thành từng
cặp ở ngoài nách lá hoặc ở đỉnh cành, thường ở trên cuống chung ngắn và mang
nhiều lá bắc nhỏ; cuống hoa dài 5-7 mm. Lá đài tròn, ở mặt ngoài có lông. Cánh
hoa khi tươi màu trắng, những chiếc của vòng ngoài hình bầu dục, cỡ 6-12 x 3-5
mm; cánh hoa trong (hơi nhỏ hơn cánh hoa ngoài) dính nhau bởi mép và tạo thành
mũ. Nhị nhiều; chỉ nhị ngắn; mào trung đới hình đĩa. Lá noãn 2-5, dài trên 4 mm,
bầu có lông; vòi hình trụ, nhẵn; núm nhụy cụt. Noãn 2. Phân quả hình trứng ngược,
ở gốc thuôn dần thành cuống dài; quả tự mở theo đường nối bụng. Hạt đen, láng.
Sinh học, sinh thái:
Cây ra hoa tháng 3-6, có quả tháng
8-10. Tái sinh bằng hạt. Mọc dưới tán
rừng nguyên sinh cây lá rộng hoặc trong
rừng thưa, nơi ẩm, ở độ cao 100-300 m.
Phân bố:
Trong nước: Quảng Bình (Bố Trạch: Ba
Rền), Quảng Trị (Hướng Hoá: Làng Khoai), Khánh Hòa (Nha Trang), Đồng Nai (Biên
Hoà), Bà Rịa-Vũng Tàu (Côn Đảo).
Thế giới: Ấn Độ, Srilanka, Trung
Quốc, Lào, Campuchia, Philippin, Inđônêxia.
Giá trị:
Nguồn gen độc đáo: là loài cây duy
nhất thuộc họ Na Annonaceae có phân quả dạng đại tự mở. Có thể dùng làm
cây cảnh vì có hoa trắng đẹp và quả khi chín mở giống đầu con ngỗng trông rất
ngộ nghĩnh.
Tình trạng:
Mặc dù có khu phân bố tương đối rộng,
nhưng nơi cư trú rất rải rác và chia cắt; ở nhiều điểm phân bố như Ba Rền, Làng
Khoai, Nha Trang, Biên Hoà, rừng đã bị khai thác mạnh. Vì vậy, có thể lâm vào
tình trạng tuyệt chủng do việc chặt phá rừng làm mất môi trường sinh thái và
điều kiện sống.
Phân hạng:
VU A1c+2c, B1+3b.
Biện pháp bảo vệ:
Loài đã được ghi trong Sách Đỏ Việt
Nam (1996) với cấp đánh giá “sẽ nguy cấp” (V). Đề nghị nên khoanh bảo vệ một
diện tích cần thiết tại đảo Côn Sơn (Côn Đảo) và tìm cách đưa về trồng ở Thảo
Cầm Viên Tp. Hồ Chí Minh và các công viên ở miền Nam để vừa làm cảnh vừa bảo vệ
nguồn gen.
Tài liệu dẫn:
Sách đỏ Việt Nam 2007 - trang 47.