LÁT HOA
Chukrasia tabularis
A. Juss. 1830
Cedrela
villosa
Roxb., 1814
Chukrasia
chickrassa
(Roxb.)
J.Schultze-Motel,1966
Dysoxylum
esquirolii
H.Lév., 1916
Melia
tomentosa
Kurz, 1870
Plagiotaxis
chickrassa
Wall., 1829
Họ: Xoan Meliaceae
Bộ:
Cam Rutales
Đặc điểm nhận dạng:
Cây gỗ lớn, cao 25 (30) m, đường kính 50 - 80 (100) cm. Thân thẳng, thường có
bạnh vè, cành nhiều, vỏ màu đen. Lá kép
lông chim chẵn, dài 30 - 50 cm, có khi hơn, lá chét (7) 10 - 16 (20) đôi, phiến
lá hình trứng - mũi mác, mép nguyên, cỡ 7 - 12 x 3 - 5 cm, đầu có mũi,
gốc hình nêm
không đều, nhẵn trừ ở nách gân mặt dưới, lá non màu đỏ. Cụm
hoa hình chùy ở nách lá và đầu cành. Hoa
lưỡng tính, màu trắng sữa. Cánh hoa 4 - 5. Chỉ nhị hợp thành ống, 8 - 10 bao
phấn. Bầu có lông; núm hình trụ ngắn,
có lông ở gốc. Quả gần hình cầu, 3 -
5 ô, cỡ 3,5 - 4,5 x 2,5 - 3,5 cm, mỗi ô có nhiều hạt. Hạt có cánh ở đỉnh.
Sinh học, sinh thái:
Mùa hoa tháng 4 - 5 (7), có quả tháng 10 - 12. Tái sinh bằng hạt và chồi. Mọc
trong rừng rậm nhiệt đới thường xanh mưa mùa ẩm, thung núi đá vôi cùng với các
loài
Trai Garcinia fagraeoides,
Nghiến Burretiodendron tonkinense,
Gội Amoora gigantea ở độ cao 800 m trở xuống.
Phân bố:
Trong nước: Lai
Châu (Mường Nhé), Sơn La, Hà Giang, Tuyên
Quang, Lạng Sơn, Phú Thọ, Vĩnh Phúc,
Hoà Bình, Ninh Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh và các tỉnh Tây Nguyên. Phú
Quốc, Côn Đảo.
Nước ngoài: Bangladesh, Borneo, Campuchia, Trung Quốc, Đông Himalaya, Hải Nam,
Ấn Độ, Lào, Malaya, Myanmar, Nepal, Sri Lanka, Sumatera, Thái Lan, Tây Tạng
Giá trị:
Cây gỗ quý, có vân
vòng năm rất đẹp (nhất là gốc và rễ), màu
đỏ sáng, cứng trung bình, ít co giãn, không mối mọt, rất được ưa chuộng trong
kiến trúc và đóng đồ dùng gia đình như giường, tủ, bàn ghế, đồ mỹ nghệ xuất khẩu.
Tình trạng:
Loài bị khai thác nhiều và triệt để (đào tận gốc),
hơn nữa diện tích rừng hiện nay đang bị thu hẹp,
suy giảm ít nhất 20% theo quan sát hiện nay và trong tương lai 5 - 10 năm tới.
Nên loài này đang bị đe dọa nghiêm trọng đến từng cá thể trong tự nhiên.
Phân hạng:
Vu A1a,c,d+2d.
Biện pháp bảo vệ:
Loài đã được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam (1996) với cấp đánh giá
"không biết chính xác" (Bậc
K). Đề nghị trồng ở các vườn thực vật, ven đường, mở rộng diện tích
rừng trồng để bảo vệ nguồn gen và lấy gỗ để sử dụng.
Tài liệu dẫn:
Sách đỏ Việt Nam 2007 - phần thực vật - trang 280.