Trang chủ | Tổng quan | Mẫu gỗ | Vườn quốc gia | English

Từ điển Latin-Việt

TỰ NHIÊN BÍ ẨN

THÔNG TIN MỚI

GIỚI THIỆU VƯỜN QUỐC GIA XUÂN THỦY VIỆT NAM


Vườn Quốc gia Xuân Thuỷ thuộc huyện Giao Thuỷ, tỉnh Nam Định (trước đây là huyện Xuân Thuỷ, tỉnh Hà Nam Ninh). Ngày 6/8/1988, theo công văn số 1302/KG của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Chính phủ đã đề cử khu đất ngập nước Xuân Thuỷ là khu Ramsar đầu tiên của Việt Nam (Anon. 1993). Ngày 20/9/1988, Văn phòng Công ước về các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế (Công ước Ramsar) đã chính thức công nhận Xuân Thuỷ là một khu Ramsar với diện tích 12.000 ha (Ramsar 2000). Ngày 20/1/1989, Việt Nam trở thành thành viên của Công ước Ramsar (Anon. 1993). Năm 1993, Việ Điều tra Quy hoạch Rừng đã xây dựng dự án đầu tư cho khu vực này, với diện tích đề xuất là 5.640 ha (Anon. 1993). Ngày 5/9/1994, Khu Bảo tồn Thiên nhiên Xuân Thuỷ đã được Chính phủ quyết định thành lập theo Công văn Số 4893/KGVX, với diện tích 7.100 ha. Năm 1995, Viện Điều tra Quy hoạch Rừng đã điều chỉnh lại dự án đầu tư và đề xuất diện tích khu bảo tồn là 7.680 ha (Cục Kiểm lâm 1998).

Dự án đầu tư này đã được Bộ Lâm nghiệp phê duyệt theo Quyết định Số 26/KH-LN, ngày 19/1/1995 (Chi cục Kiểm lâm Nam Định 2000). Trên cơ sở dự án đầu tư đã được phê duyệt, UBND tỉnh Nam Định đã thành lập ban quản lý khu bảo tồn vào ngày 01/10/1995. Sau đó, các hạng mục quản lý đã được chỉnh sửa, nâng cấp từ khu bảo tồn thiên nhiên lên VQG theo Quyết định Số 01/TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 2/01/2003. Hiện tại, VQG Xuân Thuỷ thuộc sự quản lý của UBND tỉnh Nam Định. Ngày 20/10/2003, bản kế hoạch đầu tư mới cho VQG đã được UBND tỉnh Nam Định phê duyệt theo Quyết đinh số 2669/QĐ-UB. Ban quản lý VQG hiện có 6 cán bộ, một trụ sở và thuộc sự quản lý của Sở NN&PTNT Nam Định (Nguyễn Viết Cách, Giám đốc VQG Xuân Thuỷ 2003). Xuân Thuỷ có trong danh lục các khu rừng đặc dụng Việt Nam đến năm 2010 được xây dựng bởi Cục Kiểm lâm – Bộ NN&PTNT với diện tích 7.100 ha (Cục Kiểm lâm, 2003), danh lục này hiện vẫn chưa được Chính phủ phê duyệt.

Địa hình và thuỷ văn
VQG Xuân Thuỷ nằm trong khu vực bờ biển thuộc lưu vực sông Hồng, ngay tại cửa sông Hồng đổ ra biển, hay còn gọi là cửa Ba Lạt. Khu bảo tồn bao gồm cồn cát và xen kẽ giữa chúng là các bãi bồi ngập triều. Cồn Ngạn là cồn cát lớn nhất, trên đó chủ yếu là các đầm nuôi trồng thuỷ sản và hầu hết có rừng ngập mặn bao phủ. Cồn Lu gồm một bãi cát rộng lớn, cùng các bãi bồi lầy và một diện tích nhỏ các đầm nuôi trồng thuỷ sản. Cồn Xanh là cồn nhỏ nhất có lớp cát mỏng và vẫn đang tiếp tục bồi đắp do phù sa từ sông Hồng đem lại. Cồn Xanh và Cồn Lu thường bị ngập khi thuỷ triều lên. Ranh giới phía Nam của VQG là cửa sông Vọp. Trong khu bảo tồn, nơi cao nhất có độ cao tuyệt đối là 3 m, còn vùng biển sâu nhất là 6 m.

 

 

 
Bồng chanh thường Alcedo athis - Ảnh: Nguyễn Hào Quang
 


Đa dạng sinh học
Xuân Thuỷ có 14 kiểu sinh cảnh, bao gồm các sinh cảnh tự nhiên và sinh cảnh nhân tạo (Pedersen và Nguyễn Huy Thắng 1996). Sinh cảnh có giá trị đa dạng sinh học cao nhất là các bãi bồi và rừng ngập mặn tự nhiên ít bị tác động. Thực vật ưu thế trong rằng ngập mặn thuộc về loài Trang Kandelia cande. Trong khu vực có trồng một ít cây Bần Sonneratia caseolaris. Ngoài ra còn có loài Tra Aegiceras corniculatum và loài Ô rô Acanthus ilicifolius mọc tự nhiên rải rác trong toàn khu vực (Pedersen và Nguyễn Huy Thắng 1996). Nhiều diện tích rừng ngập mặn thuần thục bao phủ các đầm nuôi trồng thuỷ sản, tuy nhiên cũng có nhiều diện tích rộng lớn các bãi bồi đã được trồng Trang thuần loài. Năm 1996, có 300 ha Sậy Phragmites sp. ở các đầm nuôi thuỷ sản của khu vực Cồn Ngạn (Pedersen và Nguyễn Huy Thắng 1996). Tuy nhiên, cho đến năm 2000 các bãi sậy này đã biến mất (Theo lời J. Eames, 2000). Trên Cồn Lu, Phi lao Cassuarina equisetifolia được trồng với diện tích lớn, đây là sinh cảnh quan trọng cho các loài chim rừng di cư.
Do sự đa dạng và tình trạng tương đối nguyên vẹn của các sinh cảnh, VQG là nơi dừng chân và trú đông quan trọng của các loài chim nước di cư. Qua các đợt khảo sát năm 1988 (Scott et al. 1989) và 1994 (Pedersen et al. 1996) đã quan sát được trên 20.000 cá thể chim nước trong khu vực. Trung mùa xuân năm 1996, có khoảng trên 33.000 con chim biển bay qua vườn quốc gia (Pedersen và Nguyễn Huy Thắng 1996).
VQG là nơi thường xuyên ghi nhận 8 loài chim bị đe doạ và sắp bị đe doạ ở mức toàn cầu, đó là: Cò thìa Platalea minor, Cò trắng Trung Quốc Egretta eulophotes, Choắt lớn mỏ vàng Tringa guttifer, Mòng bể mỏ ngắn Larus saudersi, Bồ nông chân xám Pelecanus philippensis, Rẽ mỏ thìa Calidris pygmeus, Giang sen Mycteria leucocephala, Choắt chân màng lớn Limnodromus semipalmatus (Tordoff 2002). Ghi nhận đáng chú ý nhất ở Xuân Thuỷ là tồn tại quần thể loài Cò thìa lớn nhất tại Việt Nam, trong một vài năm gần đây, số lượng lớn nhất được chính thức ghi nhận tại khu vực là 65 cá thể (Nguyễn Đức Tú pers.comm. 2003). Ngoài ra, Xuân Thuỷ là nơi tập hợp, trú chân quan trọng của nhiều loài chim nước phổ biến di cư trong mùa đông như Choắt mỏ thẳng đuôi đen Limosa limosa, Choắt chân đỏ Tringa erythropus và Choắt mỏ cong lớn Numenius arquata. Do có tầm quan trọng quốc tế trong công tác bảo tồn các loài chim, Xuân Thuỷ đã được công nhận là một trong số các vùng chim quan trọng tại Việt Nam (Tordoff 2002).

 

 

 
Ô rô nước Acanthus ilicifolius - Ảnh: Phùng Mỹ Trung
 


Các vấn đề về bảo tồn

Mặc dù Xuân Thuỷ là khu Ramsar duy nhất của Việt Nam, nhưng nguồn vốn đầu tư cho khu vực vẫn rất thấp, cơ sở hạ tầng thấp kém, thiếu trang thiết bị, việc đào tạo cán bộ hạn chế. Từ những khó khăn trên, công tác quản lý khu bảo tồn chưa đạt hiệu quả cao không đáp ứng được công tác bảo tồn đa dạng sinh học. Nguy hiểm nhất là việc trồng rừng với mục đích cải tạo đất và phòng hộ bờ biển ở các bãi bồi, là nơi cải tạo đất và phòng hộ bờ biển ở các bãi bồi, là nơi kiếm ăn của loài Cò thìa, Mòng bể mỏ ngắn, Rẽ mỏ thìa là một số loài chim bị đe doạ ở mức toàn cầu. Điều này làm thay đổi cơ bản sinh cảnh tự nhiên và có thể biến khu vực thành nơi không còn thích hợp đối với các loài chim bị đe doạ toàn cầu (Yu & Swennen 2001). Hơn nữa, các đảo cát trong VQG có các đầm nước mặn và các đụn cát cũng đang được trồng loài phi lao nhập nội sẽ làm thu hẹp các sinh cảnh tự nhiên trong khu vực.
Các nhân tố khác ảnh hưởng tới công tác bảo tồn ở Xuân Thuỷ là việc tăng cường đắp các đầm nuôi trồng thuỷ sản có thể làm chết các loài thực vật hiện có, đồng thời việc đánh bắt hải sản không bền vững ở các khu vực thuỷ triều có thể trực tiếp hoặc gián tiếp làm nhiễu loạn các loài chim bị đe doạ. Những nhân tố này nảy sinh do mật độ dân số cao ở ven biển đồng bằng Bắc Bộ (mật độ dân cư trong vùng đệm là 575 người/km2), thiếu đất canh tác và các áp lực về kinh tế. Tuy nhiên, chúng cũng phản ánh sự thiếu nhận thức của các bên liên quan chính về giá trị sinh thái và kinh tế của các khu đất ngập nước trong khung cảnh phái triển vùng.
Để bảo vệ vườn quốc gia phát triển bền vững lâu dài, cần phải giải quyết 3 vấn đề. Vấn đề thứ nhất là có chương trình đào tạo cho cán bộ của VQG. Vấn đề thứ hai là phải có một kế hoạch quản lý hài hoà giữa các giá trị kinh tế, đa dạng sinh học và phòng hộ bờ biển của các sinh cảnh khác nhau trong khu vực, đồng thời tăng cường các hoạt động quản lý sử dụng đất bền vững về phương diện bảo vệ môi trường. Vấn đề thứ ba là giải quyết các vấn đề tài chính cho VQG, hạn chế việc trồng rừng ngập mặn trên các bãi bồi là sinh cảnh quan trọng của các loài chim đang bị đe doạ.

Các giá trị khác
VQG Xuân Thuỷ là khu vực quan trọng đối với ngư nghiệp. Năm 1997, sản lượng hải sản của huyện Xuân Thuỷ đạt 200 tấn tôm, 50 tấn cua và 1.200 tấn động vật thân mềm. Trong VQG có một diện tích rộng lớn các đầm nuôi trồng thuỷ sản và rất nhiều người dân tới đánh bắt hải sản ở các bãi bồi ngập triều. Sản xuất mật ong trong khu vực cũng là một nguồn lợi kinh tế quan trọng  đối với người dân địa phương. Năm 1988, sản lượng mật ong đạt 50 tấn với nguồn hoa từ rừng ngập mặn. Đến năm 1993, sản lượng mật ong giảm xuống chỉ còn 10 - 15 tấn/năm, nguyên nhân là do diện tích rừng ngập mặn giảm qua việc xây dựng các đầm nuôi tôm (Anon. 1993).
Hiện nay, chỉ có ít khách du lịch đến Xuân Thuỷ. Tuy nhiên, là một khu Ramsar đầu tiên của Việt Nam, Xuân Thuỷ có tiềm năng rất lớn về du lịch sinh thái, là hiện trường giáo dục và đào tạo cho các cán bộ bảo vệ rừng từ các khu bảo tồn đất ngập nước khác.

Các dự án có liên quan
Trước năm 1999, Chương trình 327 là nguồn đầu tư chủ yếu cho các hoạt động của ban quản lý. Từ năm 1999, Chương trình 661 tiếp tục thay thế Chương trình 327 đầu tư cho VQG. Từ năm 2001, BirdLife International và ban quản lý VQG đã triển khai thực hiện một số dự án, mỗi dự án kéo dài 1 năm và được tài trợ bởi Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên Keidanren. Hoạt động của các dự án này bao gồm việc thiết lập các chương trình giám sát đa dạng sinh học trong VQG.
Ban Nghiên cứu Hệ sinh thái rừng ngập mặn (MERD) của Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường (CRES) hiện đang soạn thảo một dự án cỡ vừa do Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF), UNDP tài trợ. Dự án này có tên Bảo tồn đất ngập nước ven biển ở lưu vực sông Hồng, Việt Nam, dự kiến tiến hành ở 5 điểm thuộc 3 tỉnh: Ninh Bình, Nam Định và Thái Bình. Mục tiêu của dự án nhằm bảo tồn lâu dài và sử dụng bền vững tính đa dạng sinh học của các vùng ven biển đồng bằng Bắc Bộ.

Nguồn: Vườn quốc gia Xuận Thủy Việt Nam

 


Giới thiệu | Tra cứu | Danh pháp | Diễn đàn | Liên hệ | Văn Bản | Trợ giúp | SVR Mobile

Mọi chi tiết xin liên hệ Admin website Sinh vật rừng Việt Nam
© Ghi rõ nguồn '
Sinh vật rừng Việt Nam' khi bạn phát hành lại thông tin từ Website này