Trang chủ | Tổng quan | Mẫu gỗ | Vườn quốc gia | English

Từ điển Latin-Việt

TỰ NHIÊN BÍ ẨN

THÔNG TIN MỚI

GIỚI THIỆU VƯỜN QUỐC GIA TAM ĐẢO VIỆT NAM

 

Vườn quốc gia Tam Đảo nằm trọn trên dãy núi Tam Đảo, một dãy núi lớn dài trên 80 km, rộng 10–15 km chạy theo hướng Tây Bắc-Đông Nam. Vườn trải rộng trên ba tỉnh Vĩnh Phúc (huyện Tam Đảo), Thái Nguyên (huyện Đại Từ) và Tuyên Quang (huyện Sơn Dương), cách Hà Nội khoảng 75 km về phía Bắc. Đây là dãy núi có trên 20 đỉnh cao từ 1.000m trở lên so với mặt nước biển, cao nhất là đỉnh Tam Đảo Nord 1.592m. Địa hình ở đây có đặc điểm là đỉnh nhọn, sườn rất dốc, độ chia cắt sâu, dày bởi nhiều dông phụ gần như vuông góc với dông chính. Vườn quốc gia Tam Đảo chạy dài 80 km theo hướng Tây Bắc - Đông Nam từ huyện Sơn Dương (tỉnh Tuyên Quang) đến huyện Mê Linh tỉnh Vĩnh Phúc. Trung tâm Vườn cách Hà Nội 80 Km về phía bắc và cách thị xã Vĩnh Yên 20 Km.

Được thành lập theo Quyết định số 136/TTg ngày 6/3/1996 về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng Vườn quốc gia Tam Đảo. 

Toạ độ địa lý: Từ 21 độ 21' đến 21 độ 42' vĩ độ bắc và 105 độ 23' đến 105 độ 44' kinh độ đông.

Quy mô diện tích:  Nằm trong địa giới 3 tỉnh: Vĩnh Phú, Tuyên Quang và Thái Nguyên. Có tổng diện tích là 36.883 ha, trong đó phân khu bảo vệ nghiêm ngặt là 17.295ha, phân khu phục hồi sinh thái là 17.286 ha, phân khu hành chính, dịch vụ là 2.320 ha (bao gồm diện tích thị trấn Tam Đảo) . Vùng đệm:   15.515 ha, bao gồm 23 xã thuộc 6 huyện thị: Tam Dương, Bình Xuyên, Thị xã Vĩnh Yên, Lập Thạc (Vĩnh Phúc), Sơn Dương (Tuyên Quang), Đại Từ (Thái Nguyên).

Mục tiêu, nhiệm vụ:  Bảo vệ nguyên vẹn các hệ sinh thái rừng trên núi Tam Đảo. Bảo vệ nguồn gen các loìa động, thực vật rừng quý hiếm, đặc biệt các loài đặc hữu và cảnh quan thiên nhiên. Thực hiên công tác nghiên cứu khoa học, thực nghiệm và dịch vụ khoa học; tạo môi trường tốt phục vụ nghiên cứu khoa học, du lịch và nghỉ mát. Tổ chức tuyên truyền, giáo dục phổ cập nhân dân lòng yêu thiên nhiên và ý thức bảo vệ rừng. Điều tiết nước vùng đầu nguồn, phát triển du lịch sinh thái và nâng cao đời sống người dân địa phương.

 

 

 
Một góc vườn quốc gia Tam đảo Ảnh: www.vncreatures.net
 

 

Cơ quan/cấp quản lý:  Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trực tiếp quản lý Vườn quốc gia Tam Đảo. Ban quản lý:   Đã được thành lập gồm, Ban giám đốc, Hạt kiểm lâm và 6 trạm bảo vệ rừng.

Các giá trị đa dạng sinh học:

Vườn Quốc gia Tam Đảo có 5 kiểu rừng khác nhau: Rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới phân bố ở độ cao dưới 800 m; Rừng  kín thường xanh mưa ẩm á nhiệt đới trên núi thấp phân bố từ độ cao 800 m trở lên; rừng lùn trên đỉnh núi là kiểu phụ rừng đặc thù của kiểu rừng kín thường xanh; Rừng tre, nứa là rừng phục hồi sau nương rẫy; Rừng phục hồi sau nương rẫy.

Hệ thực vật:

Theo các báo cáo đã được thực hiện, Tam Đảo có đến 904 loài thuộc 478 chi, 213 họ thực vật bậc cao. Trong đó ngành thông đất 2 loài, ngành cỏ tháp bút 1 loài, ngành dương xỉ 57 loài, thực vật hạt trần 12 loài và thực vật hạt kín 832 loài. 64 loài thực vật ở Tam Đảo là những loài quý hiếm.
Rừng tự nhiên bao gồm hai kiểu chính là rừng thường xanh đất thấp và rừng thường xanh núi thấp. Rừng thường xanh đất thấp phân bố ở độ cao từ 700 đến 800 m. Tính đa dạng các loài cây gỗ ở kiểu rừng này rất cao với rất nhiều đại diện của các họ Đậu Fabaceae, Dầu Dipterocarpaceae, Xoan Meliaceae, Trám Burseraceae, Sim Myrtaceae và Xoài Anacardiaceae. Đây là kiểu rừng đang bị xuống cấp mạnh. Rừng thường xanh núi thấp phân bố ở độ cao trên 800 m. Trong kiểu rừng này hầu như không còn thấy xuất hiện một đại diện nào của họ Dầu Dipterocarpaceae, các loài ưu thế thuộc vào các họ Dẻ Fagaceae, Long não Lauraceae, Mgọc lan Magnoliaceae, Cau dừa Aceraceae, Chè Theaceae, Sau sau Hamamelidaceae, Sến Sapotaceae và Đỗ quyên Ericaceae. Trong kiểu rừng này cũng có đại diện của nhiều loài hạt trần như Kim giao Decussocarpus fleuryi, Dẻ tùng sọc trắng hẹp Amentotaxus argotaenia, Thông nàng Podocarpus imbricatus và Pơ mu Fokienia hodginsii. Ngoài hai kiểu rừng chính kể trên, Vườn Quốc gia Tam Đảo còn có 669 ha rừng lùn ưu thế bởi các loài thuộc họ Đỗ quyên Ericaceae và Chè Theaceae (Anon. 1993).

 

 

 
Cá cóc tam đảo Paramesotriton deloustali Ảnh : www.vncreatures.net
 

 

Khu hệ động vật:

Vườn Quốc gia Tam Đảo với 307 loài, trong đó thú: 64 loài, chim 239 loài, bò sát 76 lòai và 28 loài lưỡng cư. Khu hệ côn trùng đã ghi nhận 437 loaid của 271 giống thuộc 46 họ. Vườn quốc gia Tam Đảo gồm 11 loài đặc hữu hẹp, trong đó có 2 loài bò sát, 1 loài lưỡng cư và 8 loài côn trùng. Ngoài ra Tam Đảo còn có 22 loài động vật đặc hữu ở miền bắc Việt Nam, 6 loài đặc hữu của Việt Nam, 56 loài nằm trong sách đỏ Việt Nam.

Là nơi tập trung nghiên cứu khu hệ Bò sát ếch nhái ở mức độ sâu nhất tại Việt Nam hiện nay, do vậy, số lượng lớn các loài bò sát, lưỡng cư đã được ghi nhận tại khu vực. Một số loài lưỡng cư ghi nhận tại đây là các loài bị đe dọa toàn cầu theo đánh giá trong hội nghị Đánh giá các loài Lưỡng cư Toàn cầu như Nhái cây sần corticale Theloderma corticale, Nhái cây nâu gordoni Theloderma gordoni. Một số loài lưỡng cư đặc hữu của Tam Đảo là Cá cóc tam đảo Paramesotriton deloustali.  Rắn sãi angen Amphiesma angeli; Rắn ráo thái dương  Boiga multitempolaris.

Vườn Quốc gia Tam Đảo được ghi nhận là một trong những nơi có mức độ đa dạng của các loài côn trùng cao nhất Việt Nam (Anon. 1991). Một số loài bướm thông thường cũng như quí hiểm gồm Bướm cánh hình lưỡi cưa Prioneris thestylis, Bướm phượng đuôi kiếm răng nhọn Teinopalpus aureus Bướm phượng đuôi kiếm răng tù Teinopalpus imperalis. Tuy nhiên, điều này cũng phần nào phản ánh đã có quá nhiều đợt điều tra thực địa đã tiến hành ở Tam Đảo nếu so với những vùng khác và cũng là nơi được công nhận là một trong số các vùng chim quan trọng tại Việt Nam do khu vực có tầm quan trọng Quốc tế trong công tác bảo tồn chim. Khu vực có số lượng lớn các loài chim giới hạn trong một đơn vị địa sinh học. Đặc biệt, khu vực ghi nhận một số loài có vùng phân bố giới hạn chỉ tìm thấy tại một vài khu tại Việt Nam như: Đuôi cụt gáy xanh Pitta nipalensis, Cô cô đầu xám Cochoa purpurea, Chích đuôi cụt bụng vàng Tesia castaneocoronata, Chích vân nam Cettia pallidipes và Khướu mỏ dẹt to Paradoxornis ruficeps (Tordoff 2002).

Mặc dù bị áp lực về du lịch và bị săn bắn rất nhiều nhưng với những nỗ lực của Vườn quốc gia hiện nay Vườn quốc gia Tam Đảo vẫn còn một số các loài thú quí hiếm như Cầy vòi hương Paradoxurus hermaphroditus, Khỉ mặt đỏ Macaca arctoides, Cầy vằn Chrotogale owstoni, Cầy mực Artictis binturong, Cầy gấm Prionodon pardicolor; Beo lửa Felis temmincki, Sơn Dương Capricornis sumatraensis, Sóc bay Petaurista  petaurista

Hoạt động du lịch:  Khu du lịch thị trấn Tam Đảo có diện tích 235 ha, nằm trên độ cao 900m so với mặt nước biển được Pháp xây dựng từ đầu thế kỷ 20 với 143 biệt thự. Nhưng do chiến tranh, hầu hết các biệt thự này đều bị tàn phá. Từ những năm 90 Khu du lịch Tam Đảo đã phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng với nhiều nhà nghỉ và khách sạn, để phục vụ khách tham quan, du lịch. Du khách đến Tam Đảo không chỉ tận hưởng khí hậu mát mẻ giữa mùa hè mà còn được ngắm nhìn những phong cảnh bạt ngàn, xanh tươi với nhiều thắng cảnh đẹp như Thác Bạc, đền Bà Chúa Thượng và nhiều di tích văn hoá lịch sử khác. Khách đến với Tam Đảo cũng có thể thử sức leo núi với việc chinh phục những ngọn núi cao trên 1.300m, hay khám phá các phong tục tập quán của người dân bản địa.

Các dự án có liên quan:  Có nhiều chương trình và dự án được thực hiện tại Tam Đảo từ năm 1992 đến này như: Đánh giá Khu hệ động vật Tam Đảo của Viện Sinh Thái và TNSV, Điều tra khu hệ động vật rừng của Đại học Lâm nghiệp, Tập huấn về du lịch sinh thái và giáo dục môi trường của Tổ chức JICA.

Dân số trong vùng: Tổng số dân cư trong vùng khoảng 148.700 người, trong đó số người ở độ tuổi lao động là 89.460 người. Dân cư ở Tam ĐẢo do di dân từ nhiều nơi đến.

 

 

 
 
 
 
 
 
 
 

Nguồn: Vườn quốc gia Tam Đảo Việt Nam

 


Giới thiệu | Tra cứu | Danh pháp | Diễn đàn | Liên hệ | Văn Bản | Trợ giúp | SVR Mobile

Mọi chi tiết xin liên hệ Admin website Sinh vật rừng Việt Nam
© Ghi rõ nguồn '
Sinh vật rừng Việt Nam' khi bạn phát hành lại thông tin từ Website này