Trang chủ | Tổng quan | Mẫu gỗ | Vườn quốc gia | English

Từ điển Latin-Việt

TỰ NHIÊN BÍ ẨN

THÔNG TIN MỚI

GIỚI THIỆU VƯỜN QUỐC GIA PHONG NHA-KẺ BÀNG VIỆT NAM

 

Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng nằm trong vùng sinh thái Bắc Trường Sơn thuộc địa phận các huyện Bố Trạch; Minh Hoá; Quảng Ninh; cách thành phố Đồng Hới 50 km về phía Tây Bắc, cách thủ đô Hà Nội 500 km về phía nam. Được đánh giá là một trong 238 sinh thái quan trọng trên toàn cầu, với các dãy núi đá vôi phát triển hầu nhu liên tục và thành phần tương đối đồng nhất, được đánh giá là vùng Karst rộng nhất với diện tích trên 200.000 ha, là một mẫu điển hình của quá trình địa chất về thể loại Karst và hình thành hang động đang diễn biến toàn cầu không chỉ ở lĩnh vực đa dạng sinh học mà còn là một khu vực thắng cảnh hang động bậc nhất thế giới.

Quyết định thành lập:  Được thành lập theo quyết định số 189/2001/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển hạng Khu BTTN Phong Nha - Kẻ Bàng thành Vườn quốc gia.

Toạ độ địa lý:   Từ 17 độ 21' đến 17 độ 39' vĩ độ bắc và từ 105 0 57' đến 106 0 24' kinh độ đông.

Quy mô diện tích: Tổng diện tích là 85.754 ha, bao gồm: Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt 64.894 ha, phân khu phục hồi sinh thái là 17.449 ha, phân khu dịch vụ hành chính 3.411 ha.

Mục tiêu, nhiệm vụ: Tổ chức bảo vệ tài nguyên rừng, các hệ sinh thái phong phú và đa dạng trong phạn vi rang giới của Vườn.

 

 

 
Một góc Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng - Quảng Bình
 

Bảo vệ các giá trị khoa học đối với khu hệ động, thực vật điển hình của miền Trung Việt Nam, đặc biệt các loài linh trưởng và các loài thú mới phát hiện.

Xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện cho việc nghiên cưu, bảo tồn hệ động vật, thực vật. Đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu trong và ngoài nước, phục vụ đào tạo, tham quan học tập.

Khai thác thế mạnh của cảnh quan thiên nhiên để phãt triển du lịch sinh thái, cải thiện việc làm, nâng cao đời sống cộng đồng, góp phần bảo vệ môi trường và kinh tế - xã hội.

Cơ quan/cấp quản lý:  Uỷ ban Nhân dân tỉnh Quảng Bình chịu trách nhiệm quản lý Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.

Hệ thống hang động: Các nhà khoa học Việt Nam và Anh đã tiến hành khảo sát, khám phá 20 hang động với tổng chiều dài 70 km, trong đó hang động nổi bật nhất là động Phong Nha. Động Phong Nha dài 7729 m, có 14 hang, có dòng sông ngầm dài 13.969 m. Các thạch nhũ trong động trải qua hàng triệu năm kiến tạo từ nước có hòa tan đá vôi (CaHCO3) mà tích tụ thành những hình hài lạ mắt như hình sư tử, hình ngai vàng, hình đức Phật... Tên gọi Phong Nha có nghĩa là gió (thổi luồn qua khe đá trong động) và răng (thạch nhũ trong động tua tủa như hàm răng).
Động Phong Nha được có 7 cái nhất:

1. Hang nước dài nhất.

2. Cửa hang cao và rộng nhất.

3. Bãi cát, đá rộng và đẹp nhất.

4. Hồ ngầm đẹp nhất.

5. Thạch nhũ tráng lệ và kỳ ảo nhất.

6. Dòng sông ngầm dài nhất Việt Nam.

7. Hang khô rộng và đẹp nhất.

Các giá trị đa dạng sinh học:

Hệ thực vật:

Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng là rừng nguyên sinh trên núi đá vôi điển hình với các loại thực vật đặc trưng như: Nghiến Burretiodendron hsienm, Chò đãi Annamocarya sinensis, Chò nước Plartanus kerii và Sao Hopea odorata, nhiều loài thuộc họ Dầu Dipterocarpaceae, họ Đậu Fabaceae.

Kết quả điều tra năm 2011 các nhà nghiên cứu đã thống kê được 193 họ, 906 chi, 2.651 loài thực vật bậc cao có mạch. Trong số đó có 116 loài thực vật được ghi trong danh sách đỏ, trong đó 62 loài ghi trong Sách đỏ Việt Nam, 79 loài có mức độ đe doạ toàn cầu được ghi trong Sách đỏ thế giới của IUCN. Khu hệ thực vật có tới 419 taxa đặc hữu của Việt Nam, trong đó nhóm Lan có tới 28 loài. Đặc biệt ở vùng này có 1 chi đặc hữu đơn loài Oligoceras thuộc họ Thầu dầu Euphorbiaceae với loài Oligoceras eberhardtii. Mặt khác, một loài đặc hữu hẹp mới chỉ thấy trên núi đá vôi ở Việt Nam là loài Bách xanh núi đá Calocedrus rupestris. Ở Phong Nha - Kẻ Bàng, Bách xanh núi đá mọc ưu thế gần như thuần loài ở kiểu rừng trên núi đá vôi có độ cao hơn 700m, kiểu rừng này có tầm quan trọng mang tính toàn cầu. Nhiều loài khác có giá trị kinh tế và khoa học đang bị đe dạo nguy cấp và rất nguy cấp ở mức độ toàn cầu như: Dipterocarpus kerrii (CR), Dipterocarpus turbinatus (CR), Dipterocarpus hasseltii (CR). Hopea chinensis (CR), Hopea hainanensis (CR), Hopea mollissima (CR), Hopea reticulata (CR), Hopea siamensis (CR), Vatica diospyroides (CR), Dalbergia bariaensis (EN), Dalbergia mammosa (EN), Lim xanh Erythrophleum fordii (EN), Kiền kiền Hopea pierrei (EN), Vatica cinerea (EN)

 

 

 
Thằn lắn ngón phong nha kẻ bàng Cyrtodactylus phongnhakebangensis - Ảnh: Thomas Zeigler
 

Hệ động vật:

Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng là nơi sinh sống của 113 loài thú lớn, 302 loài chim, trong đó có 35 loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam và 19 loài nằm trong Sách đỏ thế giới; 81 loài bò sát lưỡng cư (có 1 loài thằn lằn mới phát hiện ở đây) (18 loài trong Sách đỏ Việt Nam và 6 loài Sách đỏ thế giới); 259 loài bướm; 72 loài cá, trong đó có 4 loài đặc hữu Việt Nam. Năm 1996, ở đây có loài cá mới phát hiện ở Việt Nam. Linh trưởng có 10 bộ linh trưởng, chiếm 50% tổng số loài thuộc bộ linh trưởng ở Việt Nam, 7 loài nằm trong sách đỏ Việt Nam, đặc biệt là Voọc hà tĩnhTrachypithecus hatinhensis, Sao la, Mang. Phong Nha - Kẻ Bàng được đánh giá là có hệ tự nhiên đa dạng nhất trong tất cả các vườn quốc gia và khu dự trữ sinh quyển quốc gia trên thế giới. Một số loài bò sát lưỡng cư mới được phát hiện gân đây ở Vườn quốc gia

Nổi bật nhất là hổ và bò tót, loài bò rừng lớn nhất thế giới, 302 loài chim, trong đó có 35 loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam và 19 loài nằm trong Sách đỏ thế giới; 81 loài bò sát lưỡng cư (18 loài trong Sách đỏ Việt Nam và 6 loài Sách đỏ thế giới); 259 loài bướm; 72 loài cá, trong đó có 4 loài đặc hữu Việt Nam. Năm 1996, ở đây có loài cá mới phát hiện ở Việt Nam. Linh trưởng có 10 bộ linh trưởng, chiếm 50% tổng số loài thuộc bộ linh trưởng ở Việt Nam, 7 loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam, đặc biệt là Voọc hà tĩnh Trachypithecus hatinhensis, Sao la Pseudoryx nghetinhensis, Mang hai loài. Phong Nha - Kẻ Bàng được đánh giá là có hệ tự nhiên đa dạng nhất trong tất cả các vườn quốc gia và khu dự trữ sinh quyển quốc gia trên thế giới.

VQG là sinh cảnh của 338 loài chim, trong đó 20 loài được ghi trong sách Đỏ Việt Nam và 17 loài được ghi trong Sách đỏ IUCN 2006. Đáng chú ý có 7 loài chim đặc hữu cho dãy Trường Sơn với 4 loài đặc hữu cho Việt Nam và 1 loài Khướu đá mun Stachyris herberti là loài mới cho khoa học, có phân bố hẹp mới chỉ tìm thấy ở vùng núi đá thuộc VQG. Trong số các loài chim, có các loài bị đe dọa nguy cấp ở mức toàn cầu là Gà lôi lam đuôi trắng Lophura hatinhensis (EN), Gà lôi lam mào trắng Lophura edwardsi (EN), Gà lôi trắng Lophura nycthemera (EN). Phong Nha và Kẻ Bàng được tổ chức Bảo tồn Chim Quốc tế công nhận là 2 trong số hơn 60 vùng chim quan trọng của Việt Nam (BirdLife International, 2005).
Phong Nha - Kẻ Bàng là nơi có cộng đồng linh trưởng phong phú bậc nhất Đông Nam Á. Năm 2002, nhà khoa học Đức Thomas Zegler đã phát hiện ra một loài thằn lằn tai mới có tên là Thằn lằn tai nogger Tropidophorus noggei tại vùng núi Karst thuộc khu vực Chà Nòi. Loài thằn lằn này đã được đăng trên số báo 114 (2) phát hành tháng 7 năm 2007 của tạp chí Revue Suise De Zoologie. Các nhà khoa học đã đặt tên loài này là Thằn lằn Phong Nha - Kẻ Bàng (danh pháp khoa học: Cyrtodactylus phongnhakebangensis. Các nhà khoa học Đức đã xây dựng một khu giới thiệu Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng tại Vườn thú Köln để giới thiệu sự đa dạng sinh học của vườn quốc gia này, ở đây cũng phát hiện ra loại rắn mai gầm mới. Qua một thời gian khảo sát, các nhà khoa học Đức, Nga và Việt Nam đã phát hiện thêm 10 loài mới trong vườn quốc gia này, trong đó bao gồm 5 loài rắn, 5 loài tắc kè, thằn lằn, nhiều loài trong số mới phát hiện này là động vật đặc hữu ở đây.

Sông suối đa dạng và tính đặc thù đã dẫn đến sự đa dạng của khu hệ cá. Các nhà khoa học đã điều tra được 124 loài cá trong khu vực. Cho tới nay, thành phần loài cá ở đây được coi là đa dạng nhất trong các khu rừng đặc dụng của Việt Nam. Đặc biệt trong số đó có tới 16 loài đặc hữu hẹp mới chỉ tìm thấy ở VQG Phong Nha- Kẻ Bàng, 4 loài được ghi trong sách đỏ Việt Nam (2003) và 5 loài ghi trong sách đỏ IUCN 2006. Trong số các taxa đặc hữu, có tới 12 taxa là loài mới công bố cho khoa học được nghiên cứu tại VQG.

Các nhà khoa học Việt Nam và các nhà khoa học Nga thuộc Viện Động vật hoang dã Sankt-Peterburg, các nhà khoa học Đức của Vườn thú Köln đã phát hiện thêm tại vườn quốc gia này hơn 100 loài mới trong khu hệ cá. Mười loại cá chưa từng thấy ở Việt Nam đã được phát hiện ở vườn quốc gia này. Trong 3 loài cá ở Phong Nha - Kẻ Bàng được ghi vào Sách Đỏ Việt Nam thì đã có 2 loài cá chình. Đó là cá Chình hoa Anguilla marmorota và cá Chình mun Anguilla bicolor.

Sự đa dạng về địa hình và các sinh cảnh rừng cũng là điều kiện lý tưởng cho các loài côn trùng. Những điều tra bước đầu đã xác định được sự có mặt của 369 loài côn trùng thuộc 40 họ, 13 bộ. Trong số đó có 270 loài bướm ngày, chiếm khoảng 1/4-1/5 tổng số loài bướm ngày đã phát hiện ở Việt Nam. Có hai loài côn trùng được xếp vào dạng quý hiếm trong sách đỏ Việt Nam là Bọ ngựa xanh Mantis religiosa và Bướm phượng đuôi nheo Lamproptera curius.

Nguồn: Vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng Việt Nam

 


Giới thiệu | Tra cứu | Danh pháp | Diễn đàn | Liên hệ | Văn Bản | Trợ giúp | SVR Mobile

Mọi chi tiết xin liên hệ Admin website Sinh vật rừng Việt Nam
© Ghi rõ nguồn '
Sinh vật rừng Việt Nam' khi bạn phát hành lại thông tin từ Website này