Trang chủ | Tổng quan | Mẫu gỗ | Vườn quốc gia | English

Từ điển Latin-Việt

TỰ NHIÊN BÍ ẨN

THÔNG TIN MỚI

GIỚI THIỆU VƯỜN QUỐC GIA PHƯỚC BÌNH VIỆT NAM

 

Vườn quốc gia Phước Bình được thành lập theo quyết định số 822/QĐ - TTg, ngày 08 tháng 6 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ với Tổng diện tích tự nhiên 19.814 ha. Với chức năng nhiệm vụ bảo tồn và phục hồi tài nguyên thiên nhiên, phát triển và bảo vệ các hệ sinh thái tự nhiên của Vườn quốc gia; nghiên cứu và hợp tác nghiên cứu khoa học; mở rộng các hoạt động dịch vụ khoa học, học tập; cung ứng dịch vụ môi trường rừng, tham quan du lịch và giáo dục môi trường theo quy định của pháp luật.
Vị trí địa lý:Từ 11độ58’32” đến 12 độ 10’00” vĩ độ Bắc. Từ 108 độ 41’00” đến 108 độ 49’05” kinh độ Đông.
Ranh giới:
Phía Đông giáp: huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hoà
Phía Tây giáp: Rừng phòng hộ đầu nguồn Thuỷ Điện Đa Nhim, tỉnh Lâm Đồng
Phía Nam giáp: Công ty Lâm nghiệp Tân Tiến, tỉnh Ninh Thuận. 
Phía Bắc giáp: Vườn quốc gia Bi Doup - Núi Bà, tỉnh Lâm Đồng và Công ty Lâm sản Khánh Hòa tỉnh Khánh Hoà.
Trong đó 80% diện tích rừng tự nhiên.Vườn quốc gia Phước Bình đại diện hệ sinh thái vùng núi cao của tỉnh Ninh thuận, chứa đựng giá trị cao về cảnh quan tự nhiên, đa dạng sinh học với nhiều nguồn gen động, thực vật. Tiếp giáp với Vườn quốc gia Bi Doup – Núi Bà của tỉnh Lâm Đồng tạo thành khu vực bảo tồn thiên nhiên rộng lớn.

 

 

 

Một góc Vườn quốc gia Phước Bình - Ảnh: Phùng Mỹ Trung

 


VQG phước bình là nơi chuyển tiếp khí hậu nên rất đa dạng về các kiểu rừng gồm các kiểu rừng:

Kiểu rừng kín thường xanh chủ yếu cây lá rộng á nhiệt đới núi thấp
Kiểu rừng này có diện tích 1858,94ha, chiếm 9,38% diện tích tự nhiên Vườn, phân bố ở độ cao trên 1000m so với mực nước biển, ở phía Tây, Tây Bắc và phía Bắc VQG . Kiểu rừng này phát sinh trên các loại đất Feralite núi cao. Nhiệt độ ở kiểu rừng này thường thấp hơn từ 3-40c so với vùng thấp; độ ẩm cao, nhiều mây mù.
Thảm thực vật rừng ở đây ít bị tác động, về cơ bản còn giữ được tính nguyên sinh. Độ tàn che 0,7-0,8, có lâm phần có độ tàn che đạt 0,9. Thành phần loài thực vật rất đa dạng.
Trữ lượng lâm phần của kiểu rừng này bình quân 250 - 300m3/ha.
Tái sinh dưới tán rừng tương đối tốt 4000-4500 cây/ha. Các loài tái sinh thường phù hợp với các loài cây mẹ.
Kiểu rừng này sau khi bị tác động bởi những hoạt động của con người như khai thác cạn kiệt tài nguyên, làm nương rãy, chất độc hóa học do chiến tranh đã hình thành nên 2 kiểu phụ thứ sinh nhân tác như sau:
Kiểu phụ rừng thường xanh thứ sinh tác nhân á nhiệt đới núi thấp
Kiểu rừng này có diện tích 721,1ha, chiếm 3,64% diện tích tự nhiên VQG , phân bố ở rải rác ở các khu vực gần nương rẫy cũ ở độ cao 1000-1300m. Kiểu rừng này có nguồn gốc trực tiếp từ Kiểu rừng thường xanh á nhiệt đới núi thấp, nhưng do tác động của con người qua khai thác, làm nương rẫy, lửa rừng mà phục hồi thành rừng thứ sinh. Kiểu rừng này bao gồm các loại rừng phục hồi IIA, IIB và rừng nghèo kiệt IIIA1. Rừng không còn giữ được tính ổn định cơ bản.
Hệ thực vật:

Kết quả điều tra thực vật mới đây Vườn quốc gia đã ghi nhận được 1.225 loài, 156 họ, 584 chi và một số loài đặc hữu tiêu biểu như họ Hoa hồng Rosaceae, họ Thông Pinaceae, Kim Giao Podocarpaceae, Hoàng đàn Cupressaceae, Ngọc Lan Magnoliaceae, Long não Lauraceae, Đỗ quyên Ericaceae.…Trong đó có các họ đặc trưng của Vườn quốc gia: Đậu Fabaceae, Ba mảnh vỏ Euphorbiaceae,Thị Ebenaceae, Cà phê Rubiaceae, Cỏ Poaceae, Điều Anacardiaceae. Các loài thực vật quí hiếm nằm trong sách đỏ Việt Nam được ghi nhận gồm Pơ mu Fokienia hodginsii, Thông năm lá đà lạt Pinus dalatensi, Thông lá dẹt Pinus krempfii. Nắp ấm trung bộ Nepenthes annamensis, Dó đất hoa thưa Balanophora laxiflora, Lệ dương Aeginetia indica

 

 

 
Lan kiến cò đỏ - Habenaria rhodochila - Ảnh: Phùng mỹ Trung
 


Hệ động vật:

Cùng với VQG Bidup Núi Bà Vườn quốc gia Phước Bình tạo ra 1 trong các vùng chim đặc trưng của Việt Nam. Có 327 loài, thuộc 94 họ, 28 bộ trong đó có 50 loài quý hiếm nằm trong sách đỏ Việt Nam 2000, bao gồm: 23 loài thú, 14 loài chim, 13 loài bò sát và ếch nhái và 29 loài nằm trong sách đỏ thế giới IUCN năm 2006 gồm: 14 loài thú, 12 loài chim, 3 loài bò sát.

Ðây còn là nơi cư trú của các loài động vật hoang dã, trong đó có nhiều loài được ghi trong sách đỏ Việt Nam như Gấu chó Ursus malayanus , Báo gấm Padofelis nebulosa, Báo lửa Catopuma temmincki, sói lửa Cuon alpinus, bò tót Bos gaurus, bò rừng Bos javanicus, gà tiền mặt đỏ Lophura nycthemera, gấu ngựa Ursus thibetanus, Chà vá chân đen Pygathrix nigripes, Chà vá chân xám Pygathrix cinerea... Do còn mang đậm nét hoang sơ của rừng nguyên sinh đặc trưng của rừng ẩm thường xanh núi cao, rừng lồ ô xen cây gỗ, nên vườn quốc gia là nơi cư trú của nhiều loại động vật thuộc bộ linh trưởng Primates như Khỉ đuôi lợn Macaca leonia, Khỉ mặt đỏ Macaca artoides, Khỉ vàng Macaca mulatta

Tiềm năng du lịch hiện đang khai thác:
Di tích trận địa bẫy đá Pi Năng Tắc.
+ Tuyến du lịch mạo hiểm từ Trạm Gia Nhông, Bố Lang đến chân Núi Hòn Chang ( Khu rừng Pơ mu), suối Đa Mây đến núi Gia Rích.
+ Điểm tham quan du lịch sinh thái và nhân văn Hồ sinh thái sông Trương, suối Gia Nhông, sông Cái thôn văn hoá Hành Rạc.
+ Hồ sinh thái Đamay
VQG phước bình rất mong sự hợp tác của các tổ chức trong và ngoài nước đến nghiên cứu khoa học để bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển tiềm năng du lịch sinh thái ở nơi đây.

 

 

 

 
 
 
 
 
 
 
 

Khám phá Vườn quốc gia non trẻ Phước Bình

Nguồn: Vườn quốc gia Phước Bình Việt Nam

 


Giới thiệu | Tra cứu | Danh pháp | Diễn đàn | Liên hệ | Văn Bản | Trợ giúp | SVR Mobile

Mọi chi tiết xin liên hệ Admin website Sinh vật rừng Việt Nam
© Ghi rõ nguồn '
Sinh vật rừng Việt Nam' khi bạn phát hành lại thông tin từ Website này