Trang chủ | Tổng quan | Mẫu gỗ | Vườn quốc gia | English

Từ điển Latin-Việt

TỰ NHIÊN BÍ ẨN

THÔNG TIN MỚI

GIỚI THIỆU VƯỜN QUỐC GIA CHƯ MOM RAY VIỆT NAM

 

Cách thị xã Kon Tum khoảng 30km về hướng phía bắc Tây Nguyên và phía tây của tỉnh Kontum, trên địa bàn 2 huyện Sa Thầy và Ngọc Hồi là Vườn quốc gia Chư Mom Ray với tính đa dạng sinh học rất cao trong hệ thống các Vườn quốc gia trên cả nước.

Quyết định thành lập:  Quyết định số 103/2002/QĐ-TTg ngày 30/07/2002 về việc chuyển hạng khu BTTN Chư Mom Ray thành Vườn quốc gia Chư Mom Ray.

Toạ độ địa lý:  Từ 14 độ 18' đến 14 độ 38' vĩ độ bắc và từ 107 độ 29'  đến 107 độ 47' kinh độ đông.

Quy mô diện tích:  Tổng diện tích là 56.621 ha (Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt: 40.566, Phục hồi sinh thái: 12.137 ha và dịch vụ - hành chính: 3.918 ha) . Vùng đệm của Vườn quốc gia Chư Mom Ray có diện tích 188.794 ha nằm trên địa bàn 8 xã, 1 thị trấn thuộc huyện Sa Thầy và Ngọc Hồi.

Mục tiêu, nhiệm vụ:  Bảo tồn đa dạng sinh học, các loài động, thực vật rừng quý hiếm, các thảm thực vật rừng nguyên sinh, các sinh cảnh quan trọng.

Bảo vệ, phục hồi rừng phòng hộ đầu nguồn thuỷ điện Ya Ly, các con sông trong vùng, bảo đảm an ninh môi trường và phát triển bền vững kinh tế tự nhiên.

Xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên vùng bắc Tây Nguyên.

Chuẩn bị cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng để phát triển du lịch sinh thái, góp phần nâng cao đời sống cộng đồng.

Tham gia hợp tác quốc tế về bảo tồn tài nguyên thiên nhiên liên biên giới Việt Nam - Lào -Cambodia.

Cơ quan/cấp quản lý:  Uỷ Ban nhân dân tỉnh Kontum. Đã có Ban quản lý với các phòng chức năng, một hạt kiểm lâm với 9 tram kiểm lâm.

 

 

 
Muồng hoa đào - Cassia javanica - Ảnh: Phùng mỹ Trung
 

Hoạt động du lịch:  Quốc lộ 14C theo quy hoạch sẽ nối Kontum với miền Bắc và miền Nam Việt Nam. Đặc biệt cửa khẩu quốc tế Bờ Y - Ngọc Hồi sẽ hoàn thành trong khoảng 1 vài năm tới tạo điều kiện cho Chư Mom Ray phát triển du lịch sinh thái. Hơn nữa sân bay Pleiku cách Vườn quốc gia khoảng 1 giờ ô tô sẽ tạo điều kiện cho du khách trong và ngoài nước tham quan Vườn Quốc gia.

Các giá trị đa dạng sinh học:  Theo phân loại IUCN năm 1998 Chư Mom Ray là nơi duy nhất bảo tồn rừng trến núi đá cao Granít. Hệ động, thực vật nơi đây rất phong phú và đa dạng với 12 kiểu hệ sinh thái từ rừng kín nguyên sinh thường xanh lá rộng trên núi trung bình đến rừng thưa thường xanh, rừng hỗn giao, đồng cỏ, đồng rêu...Nhiều loài quý hiếm như Thông nàng, kim giao, thông tre, thích đơn, cẩm lai, trắc, gáo....

Hệ thực vật:

Vườn Quốc Gia Chư Mom Ray tỉnh Kontum có hệ sinh thái thực vật rất phong phú và đa dạng. Thành phần loài cây là giao điểm của ba luồng di cư của khu hệ thực vật.
- Từ hướng Nam lên có luồng các yếu tố Malaysia-Indonesia Đại diện là một số loài trong các họ Đào lộn hột Anacardiaceae, họ Na Annonaceae, họ Trám Burseraceae, họ Đậu Fabaceae, họ Trôm Sterculiaceae,
- Từ hướng Tây và Tây Nam là luồng các yếu tố Ấn Độ - Miến Điện đại diện là một số loài trong các họ Ô rô Acanthaceae, họ Gạo Bombacaceae, họ Cúc Asteraceae, họ Dầu Dipterocarpaceae, họ Thầu dầu Euphorbiaceae, họ Đậu Fabaceae, họ Cà phê Rubiaceae, họ Du Ulmaceae, họ Phong lan Orchidaceae, họ Cau Arecaceae.
- Khu hệ thực vật bản địa Bắc Việt Nam – Hoa Nam Trung Quốc đại diện là một số loài trong họ Long não Lauraceae, họ Cà phê Rubiaceae, họ Cam Rutaceae, họ Cỏ Poaceae, họ Ráy Araceae, họ Cói Cyperaceae.
Tài nguyên rừng Chư Mom Ray có nhiều loài gỗ quý như Gõ đỏ Afzelia xylocarpa, Cẩm lai Dalbergia oliveri, Giáng hương Pterocarpus macrocarpus, Căm xe Xylia xylocarpa... Ngoài ra rừng VQG Chư Mon Ray có nhiều loài lan đặc hữu của Việt Nam, đặc biệt VQG Chư Mom Ray có 425 loài cây dược liệu được sử dụng trong các bài thuốc trong y học cổ truyền và có rất nhiều loài thực vật là nguyên liệu chiết xuất hoạt chất tự nhiên để làm thuốc.

Tính đến nay Vườn quốc gia đã ghi nhận được có 12 kiểu trạng thái rừng khác nhau với 1.895 loài thực vật bậc cao có mạch trên cạn thuộc 877 chi và 184 họ thực vật khác nhau, trong đó có 49 loài thực vật có nguy cơ bị tuyệt chủng cao được ghi trong sách đỏ Việt Nam năm 2007, có 65 loài được ghi trong danh sách đỏ thế giới năm 2009 và có 19 loài có tên trong Nghị định 32/2006.

 

 

 
Cầy vòi hương - Paradoxurus hermaphroditus - Ảnh: Phùng mỹ Trung
 

Hệ động vật:

Vườn quốc gia Chư Mom Ray có nhiều loài thú lớn quý hiếm có giá trị bảo tồn cao và đang được quan tâm 
Bảo tồn ở phạm vi quốc gia và toàn cầu như Bò tót, Bò rừng, Chà vá chân đen, Chà vá chân xám, Chà vá chân nâu, Vượn, Khỉ mặt đỏ, khỉ đuôi lợn, Khỉ đuôi dài, Hổ, Báo hoa mai, Nai, Gấu ngựa, Gấu chó….
Qua các đợt điều tra, tính đến tháng 06/2014 VQG đã xác định và ghi nhận được hệ Động vật của VQG Chư Mom Ray có mặt của  950 loài,
Trong đó:
Thú Mammalia: 120 loài, thuộc 69 chi, 28 họ, 10 bộ;
Chim Aves: 290 loài, thuộc 173 chi, 57 họ, 17 bộ;
Bò sát Reptilia: 42 loài, thuộc 33 chi, 13 họ, 2 bộ;
Lưỡng cư Amphibia: 25 loài­, thuộc 18 chi, 6 họ, 2 bộ;
Côn trùng Insecta: 365 loài, 244 chi, 27 họ, 2 bộ.
Trong đó có 33 loài thuộc diện quý hiếm được ghi trong sách đỏ Việt Nam và Thế Giới, đặc biệt ở VQG Chư Mom Ray với cánh đồng cỏ  thung lũng Ja Book  rộng vào loại lớn nhất Việt Nam  gần 10.000 ha, ở đây là sinh cảnh sống của nhiều loài thú móng guốc và thú ăn thịt quan trọng.
Những loài thú nổi trội của VQG phải kể đến Mang trường sơn Muntiacus truongsonensis, Bò rừng  Bos banteng, Bò tót  Bos gaurus, Sói đỏ  Cuon alpimus, Mèo rừng  Prionailurus bennalensis, Beo lửa  Catopuma temmincki, Gấu ngựa  Selenarctos thibetanus,  Hổ  Panthera tigris,...

Ngoài ra trên các đỉnh núi cao như đỉnh Ngọc Vil cao 1480m; đỉnh Chư Đô cao  1145m; đỉnh Ngọc Tu Ba  cao 1030m  và đỉnh Chư Mom Ray  cao 1773m  là nơi sinh sống của các loài linh trưởng và chim. Đặc biệt ở đây còn hiện hữu loài Voọc chà vá chân nâu  Pygathrix nemaeus  và Voọc chà vá chân đen Pygathrix nigripes, loài chim Hồng hoàng  Buceros bicornis, Niệc mỏ vằn  Rhyticeros undulatus, Công  Pavo muticus, Trĩ sao  Rheinardia ocellata, Gà tiền mặt đỏ  Polyplectron germaini ... là những loài đặc hữu hẹp ở Chư Mom Ray.

Dân số trong vùng: Dân số vùng đệm bao gồm 8 xã,1 thị trấn với tổng số 24.690 nhân khẩu gồm các dân tộc Kinh, Gia-rai, H'Lang, Rơ mâm, Mường, Tày, và Thái. Đời sống cộng đồng địa phương còn khó khăn, chủ yếu làm nương rẫy và sống vào nghề rừng.

Nguồn: Vườn quốc gia Chư Mom Rây Việt Nam

 


Giới thiệu | Tra cứu | Danh pháp | Diễn đàn | Liên hệ | Văn Bản | Trợ giúp | SVR Mobile

Mọi chi tiết xin liên hệ Admin website Sinh vật rừng Việt Nam
© Ghi rõ nguồn '
Sinh vật rừng Việt Nam' khi bạn phát hành lại thông tin từ Website này