Trang chủ | Tổng quan | Mẫu gỗ | Vườn quốc gia | English

Từ điển Latin-Việt

TỰ NHIÊN BÍ ẨN

THÔNG TIN MỚI

GIỚI THIỆU VƯỜN QUỐC GIA KONKAKINH VIỆT NAM

 

Năm 1986, Vườn quốc gia Kon Ka Kinh có tên trong danh sách các Khu Rừng cấm của Việt nam theo QĐ số: 194/CT ngày 9/8/1986 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, với diện tích 28.000 ha nhằm “bảo tồn rừng á nhiệt đới núi cao với các loài hạt trần”. Khi đó, VQG Kon Ka Kinh được gọi tên là Khu Rừng cấm Kon Ka Kinh thuộc phạm vi quản lý của Liên hiệp Lâm- Công nghiệp Kon Hà Nừng ( trực thuộc Bộ Lâm nghiệp).
Ngày 18/12/2003 cuộc họp các Bộ trưởng Tài nguyên môi trường được tổ chức tại IAGON (Mianma) đã ra tuyên bố chung về việc xây dựng các Vườn Di sản ASEAN và công nhận 4 Vườn quốc gia của Việt Nam là Vườn Di sản ASEAN ( gồm các Vườn Quốc gia : Kon Ka Kinh, Chư Mom Rây, Ba Bể, Hoàng Liên Sơn). Theo đó, Kon Ka Kinh là một trong 27 Vườn của khu vực Đông Nam Á được công nhận là Vườn Di sản ASEAN.

Năm 2011, UBND tỉnh Gia Lai Ban hành Quyết định số 1357A/QĐ-UBND ngày 17/10/2011 phê duyệt dự án đầu tư xây dựng và phát triển Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh giai đoạn 2011 – 2020. Quy hoạch lại các phân khu chức năng: Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt (17.137,5 ha), Phân khu phục hồi sinh thái (23.990 ha) và Phân khu dịch vụ hành chính (929,8 ha). Tổng diện tích tự nhiên của VQG là 42.057,3 ha.
Tọa độ địa lý: Từ 14°.09'.22” đến 14°.29’.52”' vĩ độ Bắc. Từ 108°.15’.26” đến 108°. 27’.25” kinh độ Đông.
Phía Bắc: giáp tỉnh Kon Tum và một phần xã Đăk Roong, huyện KBang
Phía Nam: giáp xã Hà Ra, một phần xã A Yun, Đăk Jơta, huyện Mang Yang.
Phía Đông: giáp một phần xã Đăk Roong, một phần xã Kroong và xã Lơ Ku, huyện KBang.
Phía Tây: giáp một phần xã Hà Đông, Đăk So mei, huyện Đăk Đoa.
Quy mô diện tích: Tổng diện tích tự nhiên của Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh là 42.057,3 ha, phân bố trên 45 tiểu khu

Quyết định thành lập:  Được thành lập theo Quyết định số 167/2002/QĐ-TTg ngày 25/11/2002 của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển hạng Khu BTTN Kon Ka Kinh thành Vườn Quốc gia.

Mục tiêu, nhiệm vụ:  Bảo tồn các mẫu chuẩn hệ sinh thái rừng kín thường xanh mưa nhiệt đới trên cao nguyên Plei Ku, đặc biệt là 2.000 ha rừng hỗn giao các loài cây lá rộng và lá kim, các loài động vật hoang dã của vùng cao nguyên.

Bảo vệ rừng đầu nguồn các con sông trong vùng, đảm bảo an ninh môi trường và phát triển bền vững.

Xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, phục vụ cho công tác đào tạo, nghiên cứu khao học và giáo dục môi trường, phát triển du lịch sinh thái, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tạo công ăn việc làm cho cộng đồng địa phương.

Cơ quan/cấp quản lý:  Uỷ ban Nhân dân tỉnh Gia Lai trực tiếp quản lý Vườn quốc gia Kon Ka Kinh

 

 

 

Một góc Vườn quốc gia Konkakinh - Ảnh: Phùng mỹ Trung

 

 

Đa dạng sinh học:
Vườn quốc gia Kon Ka Kinh nằm ở nơi tiếp giáp giữa Cao nguyên Pleiku với Cao nguyên Kon Hà Nừng. Là nơi có sự đa dạng, phức tạp về địa hình, nhiều đai cao khác nhau đã tạo nên sự đa dạng về sinh thái và theo đó là sự đa dạng về các loài sinh vật, ở đây có những đặc thù sinh học độc đáo của vùng Cảnh quan Trung Trường Sơn, với một số cộng đồng thực vật và động vật nguyên vẹn nhất còn lại ở Việt Nam. Trong đó, đặc biệt quan trọng là gần 2.000 ha rừng hỗn giao lá rộng - lá kim, đây là kiểu rừng chỉ thấy ở Kon Ka Kinh trong hệ thống rừng đặc dụng Việt nam và nhiều loài động, thực vật đặc hữu, quý hiếm trong khu vực và trên thế giới.

Thảm thực vật rừng
Rừng kín thường xanh, mưa ẩm nhiệt đới núi trung bình
Kiểu rừng này có tổng diện tích 26.480 ha, chiếm 63,1% tổng diện tích tự nhiên của Vườn Quốc gia, phân bố rộng tất cả các tiểu khu trong Vườn Quốc gia, từ độ cao ≥ 1.000 m, song tập trung nhiều trong vùng trung tâm, nơi có đất feralit vàng đỏ phát triển trên đá granit có độ dày từ trung bình đến dày. Nhiệt độ không khí trung bình năm nằm trong khoảng 15 - 200C, lượng mưa trung bình từ 1.500 - 2.000 mm/năm.
Tùy vào mức độ tác động của con người, mà kiểu rừng này được phân thành các kiểu phụ sau:
+ Kiểu phụ nguyên sinh rừng kín thường xanh mưa mùa nhiệt đới núi trung bình:
Có tổng diện tích 20.684,3 ha, chiếm 49,3% tổng diện tích tự nhiên của Vườn Quốc gia, phân bố khá rộng ở hầu khắp các tiểu khu trong Vườn Quốc gia, nhưng tập trung nhiều trong vùng lõi.
+ Kiểu phụ thứ sinh nhân tác rừng kín thường xanh mưa mùa nhiệt đới núi trung bình nghèo kiệt:
Có tổng diện tích 1.541,3 ha, chiếm 3,7% tổng diện tích tự nhiên, phân bố rải rác, manh mún trên khắp các tiểu khu trong Vườn Quốc gia.
+ Kiểu phụ thứ sinh nhân tác rừng kín thường xanh mưa mùa nhiệt đới núi trung bình phục hồi:
Có tổng diện tích 4.254,4 ha, chiếm 10,1% tổng diện tích tự nhiên, phân bố tập trung chủ yếu ở phía Đông của Vườn Quốc gia.
Rừng kín thường xanh, mưa ẩm nhiệt đới núi thấp: Kiểu rừng này có diện tích 7.956,2 ha, chiếm 18,9% tổng diện tích tự nhiên, phân bố rải rác ở các khu vực vùng biên phía Đông, Đông Bắc, Tây Nam, Tây Bắc của Vườn Quốc gia, ở những nơi có độ cao ≤ 1.000 m, lượng mưa bình quân năm từ 1.500 - 2.000 mm, nhiệt độ không khí trung bình năm từ 15 - 20 0C. Cấu trúc và thành phần các họ thực vật cây gỗ lá rộng tạo rừng của kiểu rừng này cũng tương tự như đối với kiểu rừng kín thường xanh mưa mùa nhiệt đới núi trung bình. Tùy vào mức độ tác động vào rừng, mà kiểu rừng này được
chia thành các kiểu rừng chính như sau:
+ Kiểu phụ nguyên sinh rừng kín thường xanh mưa mùa nhiệt đới núi thấp.
+ Kiểu phụ thứ sinh nhân tác rừng kín thường xanh mưa mùa nhiệt đới núi thấp nghèo kiệt.
+ Kiểu phụ thứ sinh nhân tác rừng kín thường xanh mưa mùa nhiệt đới núi thấp phục hồi.
· Rừng hỗn giao cây lá rộng lá kim mưa mùa nhiệt đới núi trung bình
Diện tích 1.780,8 ha, chiếm 4,2% diện tích tự nhiên, phân bố chủ yếu ở đai cao ≥ 1.000 m tại vùng trung tâm của Vườn Quốc gia. Cấu trúc của kiểu rừng này được chia thành 4 tầng khá rõ ràng:
 Rừng tre nứa: Có diện tích nhỏ (640,7 ha), chiếm 1,5% tổng diện tích và phân bố rải rác ở một số vùng ven của Vườn Quốc gia. Rừng được hình thành trên đất làm nương rẫy bị thoái hoá.

Rừng trồng: Có diện tích 180,0 ha, chiếm 0,4 % tổng diện tích tự nhiên, chủ yếu là rừng Thông 3 lá, mật độ trồng 1.600 cây/ha, cây sinh trưởng tốt, trữ lượng bình quân của rừng khoảng 50 - 70 m3/ha.

 

 

 

Ếch cây cựa Rhacophorus robertingeri được ghi nhận vùng phân bố mới ở VQG Konkakinh - Ảnh: Phùng mỹ Trung

 

Hệ thực vật:
Tổng số loài thực vật của VQG Kon Ka Kinh hiện có 1.022 loài thuộc 568 chi và 158 họ thực vật có mạch. Trong đó, nghành khuyết thực vật 80 loài (thuộc 24 họ, 41 chi), ngành hạt trần 14 loài (thuộc 7 họ, 8 chi), ngành hạt kín 928 loài (thuộc 127 họ, 519 chi).
Số loài ghi nhận mới trên cơ sở tra cứu mẫu vật đầy đủ là 119 loài, thuộc 111 chi và 59 họ thực vật có mạch.
Từ danh lục thực vật mới cập nhật, danh lục các loài thực vật quý hiếm và quan trọng cho công tác bảo tồn được thiết lập với 22 loài bị đe dọa ở cấp độ quốc gia (sách đỏ việt nam 2007) và toàn cầu (IUCN 2010). Trong đó, ở cấp độ đe dọa có một loài cực kỳ nguy cấp (CR), 1 loài nguy cấp (EN) và 6 loài sẽ nguy cấp (VU); ở cấp độ quốc gia có 2 loài cục kỳ nguy cấp (CR), 9 loài nguy cấp (EN) và 8 loài sẽ nguy cấp (VU).
Từ danh lục thực vật mới cập nhật, danh lục các loài thực vật qúy hiếm và quan trọng cho công tác bảo tồn được thiết lập với 22 loài bị đe dọa ở cấp độ Quốc gia (Sách đỏ Việt Nam 2007) và toàn cầu (IUCN 2010). Trong đó, ở cấp độ đe dọa toàn cầu có 1 loài cực kỳ nguy cấp (CR), 1 loài nguy cấp (EN) và 6 loài sẽ nguy cấp (VU); ở cấp độ Quốc gia có 2 loài cực kỳ nguy cấp (CR), 9 loài nguy cấp (EN) và 8 loài sẽ nguy cấp (VU). Gõ đỏ Afzelia xylocarpa, Lan kim tuyến Anoectochilus chapaensis, Trầm hương Aquilaria crassna, Trắc trung Dalbergia cochinchinensis, Đạt phước Millingtonia hortensis, Re hương Cinnamomum parthenoxyon, Đỉnh tùng Cephalotaxus hainanensis ...
 
Hệ động vật.
Kết quả tổng hợp các công trình điều tra đa dạng sinh học tại Vườn quốc gia Kon Ka Kinh đã công bố cho đến tháng 8 năm 2011 cho thấy hệ động vật của Vườn rất đa dạng và phong phú với tổng số 556 loài, thuộc 91 họ và 30 bộ. Trong tổng số 556 loài động vật có xương sống và 205 loài động vật không có xương sống. 
Các loài đặc hữu:
Động vật Vườn quốc gia Kon Ka Kinh có 16 loài đặc hữu gồm:
Lớp thú: có 5 loài thú lớn đặc hữu cho Đông Dương và Việt Nam là: Vượn má hung Nomascus leucogenys, Chà vá chân xám Pygathrix nemaeus, Hổ Panthera tigeris, Mang trường sơn Muntiacus truongsonensis
Lớp chim: có 7 loài đặc hữu. trong đó có 3 loài đặc hữu cho Việt Nam: Khướu đầu đen Garulax milleti, Khướu mỏ dài Jabouilleia danjoui, Khướu konkakinh Garulax konkakinhensis và 4 loài đặc hữu cho Việt Nam và Lào Khướu đầu xám Garrulax yersini, Trèo cây mỏ vàng, Gà lôi vằn  Lophura nycthemera, Thầy chùa đít đỏ
Lớp bò sát, ếch nhái: có 4 loài đặc hữu cho vùng và cho Việt Nam: Thằn lằn buôn lưới Sphenomorphus buonloicus  là loài đặc hữu cho vùng Nam Trường Sơn (Lào). Có 3 loài đặc hữu cho việt nam: Thằn lằn đuôi đỏ, Chàng sập, Ếch gai sần.
Các loài quý hiếm:
Căn cứ vào danh lục các loài động vật đã công bố, tiến hành đối chiếu với danh sách các loài được ghi trong sách đỏ việt nam 2007 và sách đỏ thế giới năm 2010 kết quả cho như sau:
+ Lớp thú: có 26 loài, trong đó có 24 loài ghi nhận trong sách đỏ thế giới, có 21 loài ghi trong sách đỏ việt nam năm 2007.
+ Lớp chim: có 9 loài, trong đó có 9 loài ghi trong sách đỏ thế giới và 8 loài ghi trong sách đỏ việt nam năm 2007.
+ Lớp bò sát: có 9 loài, trong đó sách đỏ thế giới 9 loài, sách đỏ việt nam 2007 ghi nhận 9 loài.

+ Lớp lưỡng cư: có 3 loài, trong sách đỏ thế giới ghi nhận 3 loài và sách đỏ việt nam 2007 ghi nhận 3 loài.

Nguồn: Vườn quốc gia Kon Ka Kinh Việt Nam

 


Giới thiệu | Tra cứu | Danh pháp | Diễn đàn | Liên hệ | Văn Bản | Trợ giúp | SVR Mobile

Mọi chi tiết xin liên hệ Admin website Sinh vật rừng Việt Nam
© Ghi rõ nguồn '
Sinh vật rừng Việt Nam' khi bạn phát hành lại thông tin từ Website này