Trang chủ | Tổng quan | Mẫu gỗ | Vườn quốc gia | English

Từ điển Latin-Việt

TỰ NHIÊN BÍ ẨN

THÔNG TIN MỚI

NGHỊ ĐỊNH CỦA CP VỀ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG XUẤT NHẬP KHẨU VÀ QUÁ CẢNH CÁC LOÀI ĐỘNG, THỰC VẬT HOANG DÃ (PHẦN 1)

 

 

Xem trang 2

 

Chính phủ
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Số: 11/2002/NĐ-CP
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 22 tháng 01 năm 2002

 

 

NGHỊ ĐỊNH CỦA CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU VÀ QUÁ CẢNH CÁC LOÀI ĐỘNG VẬT, THỰC VẬT HOANG DÃ

CHÍNH PHỦ
  • Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
  • Căn cứ Luật Bảo vệ và Phát triển rừng ngày 12 tháng 8 năm 1991;
  • Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 27 tháng 12 năm 1993;
  • Căn cứ Pháp lệnh Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thuỷ sản ngày 25 tháng 4 năm 1989;
  • Căn cứ Pháp lệnh về ký kết và thực hiện Điều ước quốc tế ngày 20 tháng 8 năm 1998;
  • Căn cứ Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CONVENTION ON INTERNATIONAL TRADE IN ENDANGERED SPECIES OF WILD FAUNA AND  FLORA - viết tắt là CITES);
  • Để bảo tồn và thực hiện thương mại bền vững đối với các loài động vật, thực vật hoang dã phù hợp quy định của Công ước CITES và pháp luật nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
  • Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,
NGHỊ ĐỊNH

 

Chương I. Những quy định chung

Điều 1. Nghị định này quy định chi tiết việc xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu và nhập nội từ biển mẫu vật của các loài động vật, thực vật hoang dã theo quy định của Công ước CITES và pháp luật nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Điều 2. Trong Nghị định này các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Loài: bao gồm một loài hoặc một loài phụ hay một quần thể động vật, thực vật cách biệt về mặt địa lý.

2. Loài lai: là kết quả của việc giao phối hay cấy ghép hai loài hoặc hai loài phụ động vật hay thực vật với nhau.

3. Loài quý hiếm: là những loài động vật, thực vật hoang dã được quy định trong danh mục của Nghị định số 18/HĐBT ngày 17 tháng 01 năm 1992 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) và những văn bản pháp luật khác của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

4. Động vật hoang dã thông thường: là những loài động vật chỉ bao gồm các loài côn trùng, bò sát, lưỡng cư, chim, thú không được quy định trong  các Phụ lục của Công ước CITES, Nghị định số 18/HĐBT ngày 17 tháng 01     năm 1992 và không bị quy định cấm hoặc hạn chế khai thác, sử dụng trong các văn bản pháp luật khác của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

5. Mẫu vật: là động vật, thực vật hoang dã còn sống hay đã chết hoặc một bộ phận hay dẫn xuất của chúng hoặc các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật, thực vật hoang dã.

6. Xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu và nhập nội từ biển các loài động vật, thực vật hoang dã vì mục đích thương mại: là việc đưa mẫu vật của các loài động vật, thực vật hoang dã qua biên giới hoặc lãnh hải nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam vì mục đích thu lợi dưới dạng tiền mặt, hàng hoá, trao đổi, cung cấp dịch vụ, các dạng sử dụng khác hoặc lợi ích kinh tế khác.

7. Xuất khẩu mẫu vật: là việc đưa mẫu vật của các loài động vật, thực vật hoang dã ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

8. Tái xuất khẩu mẫu vật: là việc xuất khẩu mẫu vật của các loài động vật, thực vật hoang dã trước đây đã được nhập khẩu hợp pháp vào lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

9. Nhập khẩu mẫu vật: là việc đưa mẫu vật của các loài động vật, thực vật hoang dã vào lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

10. Nhập nội từ biển: là việc đưa vào lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam mẫu vật của các loài được quy định trong các Phụ lục của Công ước CITES được khai thác từ vùng biển không thuộc quyền tài phán của bất kỳ quốc gia nào.

11. Vận chuyển quá cảnh: là việc vận chuyển hay chuyển tải mẫu vật của các loài động vật, thực vật hoang dã đặt dưới sự kiểm soát của hải quan qua lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến một nước thứ ba.

12. Cảng xuất khẩu, cảng nhập khẩu: là cảng hàng không, cảng biển hay cửa khẩu đường bộ, đường sắt của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam được chỉ định để xuất khẩu hoặc nhập khẩu mẫu vật của các loài động vật, thực vật hoang dã.

13. Môi trường có kiểm soát: là môi trường có sự quản lý của con người nhằm  mục đích tạo ra những loài thuần chủng hoặc tạo ra những cây lai, con lai có chọn lọc. Môi trường phải có ranh giới rõ ràng để ngăn ngừa sự xâm nhập hoặc phát tán của động vật, trứng hay giao tử ra ngoài hoặc vào trong môi trường được quản lý.

14. Trại nuôi sinh sản: là nơi nuôi giữ các loài động vật hoang dã có nguồn gốc hợp pháp từ thiên nhiên để lấy sản phẩm được sinh ra trong môi trường có kiểm soát.

15. Cơ sở trồng cấy nhân tạo: là nơi trồng, cấy từ hạt, hợp tử, mầm hoặc ghép cành hay các cách nhân giống khác trong môi trường có kiểm soát các loài thực vật hoang dã được khai thác hợp pháp từ tự nhiên.

16. Thế hệ F0, F1, F2:

a) F0 là động vật sống, trứng hay giao tử được khai thác từ thiên nhiên hoặc là con sinh ra trong môi trường có kiểm soát nhưng là kết quả của việc giao phối trong tự nhiên;

b) F1 là kết quả sinh sản của các cá thể bị bắt ngoài tự nhiên (F0) được nuôi trong môi trường có kiểm soát. Kết quả sinh sản của một cá thể (F) bất kỳ phối giống với một cá thể F0 trong môi trường có kiểm soát được coi  là (F1);

c) F2 là kết quả của việc sinh sản của cặp bố - mẹ (F1) được nuôi và giao phối trong môi trường có kiểm soát.

17. Phụ lục của Công ước CITES bao gồm:

a) Phụ lục I: là danh mục những loài động vật, thực vật hoang dã bị đe doạ tuyệt chủng và bị nghiêm cấm xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu và nhập nội từ biển vì mục đích thương mại;

b) Phụ lục II: là danh mục những loài động vật, thực vật hoang dã hiện chưa bị đe doạ tuyệt chủng, nhưng có thể dẫn đến tuyệt chủng nếu như việc xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu và nhập nội từ biển vì mục đích thương mại những loài này không được kiểm soát;

c) Phụ lục III: là danh mục những loài động vật, thực vật hoang dã mà một quốc gia thành viên thực hiện kiểm soát việc xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu và nhập nội từ biển yêu cầu các quốc gia thành viên khác hợp tác để kiểm soát việc xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu vì mục đích thương mại.

Danh mục các loài động vật, thực vật hoang dã quy định trong Phụ lục I, II Công ước CITES có thể được sửa đổi thông qua Hội nghị các nước thành viên hai năm họp một lần.

18. Tài sản cá nhân: là những mẫu vật thuộc sở hữu cá nhân, được sử dụng không vì mục đích thương mại. Mẫu vật của các loài được khai thác bất hợp pháp mà pháp luật Việt Nam nghiêm cấm khai thác, sử dụng thì không được coi là tài sản cá nhân.

19. Mẫu vật tiền công ước: là mẫu vật được quy định trong các Phụ lục của Công ước CITES có được một cách hợp pháp trước ngày 20 tháng 4     năm 1994 là ngày nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam gia nhập Công ước CITES. Mẫu vật tiền Công ước phải đăng ký với Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam.

20. Quốc gia thành viên: là quốc gia mà Công ước CITES đã có hiệu lực tại quốc gia đó.

21. Quốc gia không là thành viên: là quốc gia mà Công ước CITES chưa có hiệu lực tại quốc gia đó.

 

Chương II. Xuất khẩu, nhập khẩu mẫu vật của các loài động vật, thực vật hoang dã được quy  định trong các Phụ lục của Công ước CITES

Điều 3.

1. Cấm xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu và nhập nội từ biển vì mục đích thương mại mẫu vật của các loài động vật, thực vật hoang dã được quy định trong Phụ lục I của Công ước CITES.

2. Việc xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu và nhập nội từ biển mẫu vật của các loài động vật, thực vật hoang dã được quy định trong Phụ lục I của Công ước CITES chỉ được thực hiện khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:

a) Không vì mục đích thương mại;

b) Phù hợp với pháp luật nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

c) Có giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu và nhập nội từ biển do Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam cấp.

3. Việc cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu và nhập nội từ biển mẫu vật của các loài động vật, thực vật hoang dã được quy định trong Phụ lục I của Công ước CITES và điểm c khoản 2 Điều này được thực hiện khi đáp ứng đủ những điều kiện sau:

a) Xuất khẩu:

- Cơ quan thẩm quyền khoa học CITES Việt Nam tư vấn rằng việc xuất khẩu không ảnh hưởng đến sự tồn tại bền vững của loài đó trong thiên nhiên;

- Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam công nhận giấy phép nhập khẩu các mẫu vật đó do Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES nước nhập khẩu cấp trước đó;

- Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam thừa nhận mẫu vật đó được khai thác hợp pháp theo luật của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

- Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam xác nhận việc vận chuyển mẫu vật sống phải được chuẩn bị tốt để bảo đảm giảm tối đa những nguy hiểm, thương tích đối với mẫu vật.

b) Nhập khẩu:

- Cơ quan thẩm quyền khoa học CITES Việt Nam thừa nhận mẫu vật được nhập khẩu vào Việt Nam không ảnh hưởng đến sự tồn tại bền vững của loài đó và các loài khác hiện có trong thiên nhiên;

- Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam thừa nhận những mẫu vật được nhập khẩu vào Việt Nam theo đúng các quy định của Công ước CITES;

- Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam thừa nhận những mẫu vật đó không được sử dụng vì mục đích thương mại;

- Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam xác nhận tổ chức, cá nhân nhận mẫu vật có đủ điều kiện về chuồng trại và các điều kiện khác để giữ và chăm sóc mẫu vật sống.

c) Tái xuất khẩu:

- Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam công nhận mẫu vật đó đã được nhập khẩu hợp pháp vào Việt Nam;

- Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam xác nhận việc vận chuyển mẫu vật sống phải được chuẩn bị tốt để bảo đảm giảm tối đa những nguy hiểm, thương tích đối với mẫu vật.

d) Nhập nội từ biển:

- Cơ quan thẩm quyền khoa học CITES Việt Nam thừa nhận mẫu vật được nhập nội vào lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam không ảnh hưởng đến sự tồn tại bền vững của loài đó và các loài khác hiện có trong thiên nhiên;

- Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam xác định những mẫu vật đó không được sử dụng vì mục đích thương mại.

- Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam xác nhận tổ chức, cá nhân nhận mẫu vật có đủ điều kiện về chuồng trại và các điều kiện khác để giữ và chăm sóc  mẫu vật sống.

Điều 4.

1. Việc xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu và nhập nội từ biển mẫu vật của các loài động vật, thực vật hoang dã được quy định trong Phụ lục II của Công ước CITES chỉ được thực hiện khi có giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu và nhập nội từ biển do Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam cấp.

2. Việc cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu và nhập nội từ biển mẫu vật của các loài động vật, thực vật hoang dã được quy định Phụ lục II của Công ước CITES và khoản 1 Điều này chỉ được thực hiện khi đáp ứng đủ những điều kiện sau:

a) Xuất khẩu:

- Cơ quan thẩm quyền khoa học CITES Việt Nam tư vấn rằng việc xuất khẩu không ảnh hưởng đến sự tồn tại bền vững của loài đó trong thiên nhiên;

- Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam thừa nhận mẫu vật được khai thác hợp pháp theo luật nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

- Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam xác nhận việc vận chuyển mẫu vật sống phải được chuẩn bị tốt để bảo đảm giảm tối đa những nguy hiểm, thương tích đối với mẫu vật.

b) Nhập khẩu:

- Có giấy phép xuất khẩu của Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES của nước xuất khẩu cấp;

- Cơ quan thẩm quyền khoa học CITES Việt Nam tư vấn rằng việc nhập khẩu các loài này vào Việt Nam không ảnh hưởng đến sự tồn tại bền vững của loài đó và các loài khác hiện có trong thiên nhiên;

- Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam xác nhận việc vận chuyển mẫu vật sống phải được chuẩn bị tốt để bảo đảm giảm tối đa những nguy hiểm, thương tích đối với mẫu vật.

c) Tái xuất khẩu:

- Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam thừa nhận mẫu vật được nhập khẩu vào Việt Nam theo đúng các quy định của Công ước CITES và pháp luật nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

- Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam xác nhận việc vận chuyển mẫu vật sống phải được chuẩn bị tốt để bảo đảm giảm tối đa những nguy hiểm, gây thương tích đối với mẫu vật.

d) Nhập nội từ biển:

- Cơ quan thẩm quyền khoa học CITES Việt Nam tư vấn rằng việc nhập nội không ảnh hưởng đến sự tồn tại bền vững của các loài đó và các loài khác hiện có trong thiên nhiên;

- Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam xác nhận việc vận chuyển mẫu vật sống phải được chuẩn bị tốt để bảo đảm giảm tối đa những nguy hiểm, thương tích đối với mẫu vật.

Điều 5.

1. Việc xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu mẫu vật của các loài động vật, thực vật hoang dã, được quy định trong Phụ lục III của Công ước CITES do Việt Nam đề xuất chỉ được thực hiện khi có giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu do Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam cấp hoặc có giấy chứng chỉ do Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam cấp nếu là loài không do Việt Nam đề xuất vào Phụ lục III.

2. Việc cấp giấy phép, giấy chứng chỉ xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu mẫu vật của các loài động vật, thực vật hoang dã được quy định trong Phụ lục III của Công ước CITES và khoản 1 Điều này chỉ được thực hiện khi đáp ứng đủ những điều kiện sau:

a) Xuất khẩu:

- Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam thừa nhận mẫu vật đó được khai thác hợp pháp theo luật nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

- Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam xác nhận việc vận chuyển mẫu vật sống phải được chuẩn bị tốt để bảo đảm giảm tối đa những nguy hiểm, thương tích đối với mẫu vật.

b) Nhập khẩu:

- Có giấy phép xuất khẩu do Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES của nước xuất khẩu cấp nếu xuất khẩu từ nước đã đề nghị đưa loài đó vào Phụ lục III của Công ước CITES hoặc giấy chứng chỉ, chứng nhận nguồn gốc nếu xuất khẩu từ nước không đề nghị đưa loài đó vào Phụ lục III  của Công ước CITES.

- Cơ quan thẩm quyền khoa học CITES Việt Nam tư vấn rằng việc nhập khẩu các loài này vào Việt Nam không ảnh hưởng đến sự tồn tại bền vững của loài đó và các loài khác hiện có trong thiên nhiên.

c) Tái xuất khẩu: Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam thừa nhận mẫu vật đó đã được nhập khẩu hợp pháp vào Việt Nam.

 

Chương III. Xuất khẩu, nhập khẩu mẫu vật của các loài  động vật, thực vật hoang dã  được quy định trong các Phụ lục của Công ước CITES có nguồn gốc do nuôi sinh sản hoặc trồng cấy nhân tạo

Điều 6.

1. Việc xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu mẫu vật của các loài động vật, thực vật hoang dã được quy định trong các Phụ lục của Công ước CITES có nguồn gốc gây nuôi sinh sản hoặc trồng cấy nhân tạo chỉ được thực hiện khi có giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu do Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam cấp.

2. Được phép xuất khẩu, nhập khẩu vì mục đích thương mại mẫu vật của các loài động vật, thực vật hoang dã được quy định trong Phụ lục I của Công ước CITES  có nguồn gốc gây nuôi sinh sản hoặc trồng cấy nhân tạo từ thế hệ (F2) tại các trại nuôi sinh sản hoặc cơ sở trồng cấy nhân tạo.

3. Trong hoạt động gây nuôi sinh sản hoặc hoạt động trồng cấy nhân tạo các loài được quy định trong Phụ lục I của Công ước CITES, các tập đoàn giống bố, mẹ phải có xác nhận và phải được quản lý để duy trì lâu dài khả năng tạo ra thế hệ liên tiếp.          

4. Trại nuôi sinh sản hoặc cơ sở trồng cấy nhân tạo các loài động vật, thực vật được quy định trong Phụ lục I của Công ước CITES phải đăng ký với Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam.

Điều 7.

1. Được phép xuất khẩu, nhập khẩu mẫu vật của các loài động vật, thực vật hoang dã được quy định trong Phụ lục II, III của Công ước CITES  có nguồn gốc gây nuôi sinh sản hoặc trồng cấy nhân tạo từ thế hệ F1 tại các trại nuôi sinh sản hoặc cơ sở trồng cấy nhân tạo.

2. Trại nuôi sinh sản và cơ sở trồng cấy nhân tạo các loài động vật, thực vật được quy định trong Phụ lục II, III của Công ước CITES phải đăng ký với cơ quan kiểm lâm cấp tỉnh được cơ quan thẩm  quyền quản lý CITES Việt Nam ủy quyền.

 

Chương IV. Xuất khẩu, nhập khẩu mẫu vật của các loài  động vật, thực vật hoang dã quý, hiếm theo quy định của pháp luật Việt Nam

Điều  8.

1. Cấm xuất khẩu vì mục đích thương mại mẫu vật của các loài động vật, thực vật hoang dã quý, hiếm được pháp luật Việt Nam quy định là nghiêm cấm khai thác, sử dụng mặc dù không được quy định trong Phụ lục I của Công ước CITES. Trong trường hợp cụ thể, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định việc xuất khẩu không vì mục đích thương mại mẫu vật của các loài động vật, thực vật hoang dã quý, hiếm quy định tại khoản này.

2. Được phép xuất khẩu m ẫu vật các loài động vật, thực vật hoang dã quý hiếm nói tại khoản 1 Điều này, có nguồn gốc gây nuôi sinh sản hoặc trồng cấy nhân tạo từ thế hệ F2 tại các trại nuôi sinh sản hoặc cơ sở trồng cấy nhân tạo đã đăng ký với Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam.

Điều 9. Mẫu vật của các loài động vật, thực vật hoang dã quý, hiếm là đối tượng hạn chế khai thác, sử dụng theo quy định của pháp luật nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam mà không được quy định trong các Phụ lục của Công ước CITES, khi xuất khẩu, nhập khẩu phải có giấy chứng chỉ xuất khẩu hoặc giấy chứng chỉ nhập khẩu do Cơ quan thẩm  quyền quản lý CITES Việt Nam cấp.

Điều 10. Mẫu vật của các loài động vật, thực vật hoang dã có ở Việt Nam, mà pháp luật Việt Nam  cho phép khai thác, sử dụng, hoặc hạn chế khai thác, sử dụng nhưng được quy định trong các Phụ lục của Công ước CITES khi xuất khẩu phải tuân theo các quy định của Công ước CITES.

 

Chương V. Xuất khẩu, nhập khẩu mẫu vật của các loài động vật  hoang dã thông thường

Điều 11.

1. Việc xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu mẫu vật của các loài động vật hoang dã thông thường có nguồn gốc khai thác hợp pháp chỉ được thực hiện nếu có giấy chứng chỉ xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu do Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam cấp.

2. Việc cấp giấy chứng chỉ xuất khẩu, nhập khẩu và tái xuất khẩu mẫu vật của các loài động vật hoang dã thông thường quy định tại khoản 1       Điều này chỉ được thực hiện khi đáp ứng đủ những điều kiện sau:

a) Xuất khẩu:

- Cơ quan thẩm quyền khoa học CITES Việt Nam tư vấn rằng việc xuất khẩu không ảnh hưởng đến sự tồn tại bền vững của những loài đó trong thiên nhiên.

- Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam thừa nhận  mẫu vật được khai thác hợp pháp theo luật  nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt  Nam.

b) Nhập khẩu: cơ quan thẩm quyền khoa học CITES Việt Nam tư vấn rằng việc nhập các mẫu vật này không  ảnh hưởng tới sự tồn tại bền vững của loài đó và các loài khác hiện có trong thiên nhiên;

c) Tái xuất khẩu: Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam thừa nhận những mẫu vật đó được nhập khẩu hợp pháp vào Việt Nam.

Điều 12. Việc xuất khẩu mẫu vật của các loài động vật hoang dã thông thường có nguồn gốc gây nuôi sinh sản tại các trại nuôi sinh sản đã đăng ký với Cơ quan Kiểm lâm cấp tỉnh được khuyến khích và không hạn chế số lượng.

 

Chương VI. Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam

Điều 13. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam, có chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

1. Đại diện cho Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam tham gia Hội nghị các nước thành viên.

2. Quan hệ với Ban thư ký CITES, các nước thành viên, các Tổ chức quốc tế để tổ chức thực hiện Công ước CITES tại Việt Nam.

3. Báo cáo thường kỳ hàng năm và báo cáo định kỳ 2 năm về việc thực hiện Công ước theo quy định của Công ước CITES, gửi cho các cơ quan có liên quan của Việt Nam và Ban Thư ký CITES.

4. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan để thực thi Công ước CITES tại Việt Nam, bao gồm các công việc sau đây:

a) Soạn thảo để trình Chính phủ hoặc các Bộ, ngành hữu quan ban hành theo thẩm quyền các quy định về xuất khẩu, nhập khẩu động vật, thực vật hoang dã;

b) Biên soạn các tài liệu tuyên truyền nâng cao nhận thức về Công ước CITES cho cộng đồng;

c) Tham khảo ý kiến các cơ quan hữu quan trong việc chỉ định hoặc thay đổi các cảng xuất khẩu, cảng nhập khẩu các loài động vật, thực vật hoang dã theo quy định của Công ước CITES;

d) Thực hiện thanh tra việc xuất khẩu, nhập khẩu mẫu vật các loài động vật, thực vật hoang dã tại các cửa khẩu đường bộ, đường sắt, cảng biển và cảng hàng không;

đ) Định kỳ công bố danh mục các loài động vật, thực vật hoang dã được quy định trong các Phụ lục của Công ước CITES được bổ sung sau Hội nghị các nước thành viên 2 năm họp một lần;

e) Xem xét, cấp và thu hồi giấy phép, giấy chứng chỉ xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu hoặc nhập nội từ biển mẫu vật của các loài động vật, thực vật hoang dã theo quy định hiện hành và thu lệ phí cấp phép. Phối hợp cùng Bộ Thuỷ sản trong việc xét, cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu

 

 

 

Xem trang 2

 


Giới thiệu | Tra cứu | Danh pháp | Diễn đàn | Liên hệ | Văn Bản | Trợ giúp | SVR Mobile

Mọi chi tiết xin liên hệ Admin website Sinh vật rừng Việt Nam
© Ghi rõ nguồn '
Sinh vật rừng Việt Nam' khi bạn phát hành lại thông tin từ Website này