Trang chủ | Tổng quan | Mẫu gỗ | Vườn quốc gia | English

Từ điển Latin-Việt

TỰ NHIÊN BÍ ẨN

THÔNG TIN MỚI

QUI PHẠM PHÒNG, CHỮA CHÁY RỪNG...

.

 

QUY PHẠM PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY

 

 

RỪNG THÔNG, RỪNG TRÀM VÀ MỘT SỐ LOẠI RỪNG DỄ CHÁY KHÁC (QPN 8 - 86)

 

 

(Ban hành kèm theo Quyết định số 801 - QĐ ngày 26 tháng 9 năm 1986)

 

 

Chương I. Điều khoản chung

Điều 1. Quy phạm này quy định những yêu cầu về kỹ thuật phòng cháy, chữa cháy rừng thông, tràm và một số rừng dễ cháy khác và hệ thống tổ chức lực lượng về phòng và chữa cháy ở cơ sở.

Điều 2. Căn cứ vào từng trường hợp cụ thể mà áp dụng việc xây dựng băng trắng, băng xanh, quy vùng sản xuất nương rẫy, làm chòi canh, xây dựng hệ thống thông tin, tuyên truyền giáo dục.

Điều 3. Căn cứ vào tình hình cụ thể cuả từng nơi mà áp dụng việc dự báo cháy rừng theo phương pháp tổng hợp với xây dựng hệ thống thông tin vô tuyến kết hợp với thông tin đại chúng ở địa phương. Tất cả những nội dung trên đều được Cục kiểm lâm nhân dân tập huấn; nhân viên dự báo và thông tin vô tuyến phòng cháy chữa cháy rừng phải có giấy chứng nhận đã được đào tạo về nghiệp vụ kỹ thuật.

 

Chương II. Xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuậtphòng cháy và chữa cháy rừng

Mục 1. Xây dựng đường băng cản lửa.

Điều 4. Băng trắng và băng xanh nhằm ngăn cách giữa rừng cây với nương rẫy, ruộng, vườn, bãi gỗ, điểm dân cư, đường giao thông (đường sắt, đường bộ. . .), kho tàng, biên giới v v... và phân chia khu rừng dễ cháy thành những lô, khoảnh.

Điều 5. Khi thiết kế trồng rừng thông và các loại rừng dễ cháy khác nhất thiết phải thiết kế, thi công ngay hệ thống đường băng trắng hoặc băng xanh. Nếu độ dốc trên 25 0 thì không được làm băng trắng, mà phải trồng ngay cây xanh trên băng cùng với việc trồng rừng ngay năm đó.

Điều 6. Xây dựng đường băng trắng chỉ áp dụng một hai năm đầu ở rừng tự nhiên nơi có độ dốc dưới 25 0 vì chưa đủ điều kiện để trồng băng xanh. Khi có điều kiện thì tiến hành trồng ngay cây xanh. Băng trắng đối với rừng tự nhiên có độ rộng tối thiểu 10 - 16m. Khi xây dựng băng trắng phải xử lý thực bì, phơi khô, vun thành dải cách bìa rừng 5 - 8m; đốt vào đầu mùa khô, khi đốt phải cử người canh gác, đốt lúc gió nhẹ, vào buổi sáng hoặc chiều tối, tuyệt đối không để lửa cháy lan vào rừng. Đốt xong phải kiểm tra toàn bộ đường băng cho tới khi lửa tắt hẳn.

Điều 7. Phải xây dựng đường băng xanh hổn giao bằng nhiều loại cây, có kết cấu nhiều tầng bao gồm:

1. Đường băng chính: phải kết hợp với việc xây dựng đường vận xuất, vận chuyển lâm sản.

a). Đối với rừng tự nhiên lá rộng: đường băng chia rừng ra nhiều khoảnh, cự ly các đường băng chính cách nhau 2 - 3 km.

b). Đối với rừng trồng và rừng lá kim tự nhiên: đường băng chính có cự ly cách nhau từ 1 - 2 km.

2. Đường băng nhánh (phụ):

a). Đối với rừng tự nhiên (lá rộng): đăn cứ vào điều kiện từng nơi mà cự ly cách nhau giữa các băng 1 - 2 km.

b). Đối với rừng trồng và rừng lá kim tự nhiên: căn cứ vào điều kiện từng nơi mà cự ly giữa các băng cách nhau 500 - 1000 m.

Điều 8. Đối với rừng ở trạng thái rừng sào, độ rộng cuả đường băng phải lớn hơn chiều cao cuả cây rừng.

a). Đường băng chính: đối với cả 2 loại rừng tự nhiên và trồng có độ rộng tối thiểu 8 - 20 m và nên trồng cây xanh.

b). Đường băng nhánh (phụ): kể cả 2 loại rừng tự nhiên và rừng trồng có độ rộng tối thiểu 6 - 12 m và nên trồng cây xanh.

Điều 9. Hướng cuả đường băng.

a). Đối với địa hình bằng phẳng hoặc dốc dưới 15 độ, thì băng phải vuông góc với hướng gió hại chính trong mùa cháy.

b). Đối với địa hình phức tạp, độ dốc lớn trên 25 độ, băng bố trí trùng với đường đồng mức. Trong trường hợp có thể lợi dụng đường mòn, khe suối, sông núi, đường vận xuất, vận chuyển lâm sản vv. . .để làm đường băng thì dọc hai bên đường băng đó phải xây dựng một hoặc hai vành đai cây xanh để cản lửa, mỗi bên rộng 4 - 6 m, hàng năm phải chăm sóc, tu bổ cây xanh theo kỹ thuật chăm sóc rừng trồng.

Điều 10. Phải quy hoạch và xây dựng để sử dụng các thung, khe, đầm hồ, ao sẵn có để dự trữ nước cho việc cháy rừng.

 

Mục 2: Xây dựng kênh mương, băng cản lửa và đắp đập ở rừng tràm

Điều 11. Phải tiến hành thiết kế, thi công, hoàn chỉnh hệ thống kênh mương cùng với việc thiết kế thi công trồng rừng tràm, duy trì nguồn nước ngọt, ngăn ngừa cháy ngầm, cháy lan và cháy lướt ở rừng tràm. Các loại kênh phòng cháy gồm: Kênh chính (kênh cấp khu), kênh phụ (kênh cấp tiểu khu), kênh nhánh (kênh cấp khoảnh và kênh cấp lô). Phải đắp đập ở các cửa kênh để giữ nước cho rừng tràm trong suốt mùa khô.

Điều 12. Kênh chính phân chia rừng hoặc bao bọc những khu rừng lớn có diện tích từ 5.000ha đến 10.000 ha.

Kích thước kênh chính: mặt kênh rộng 8 - 12m, sâu 2 - 2,5m, đáy rộng 6 - 8m: đất đào đắp về hai phiá tạo ra đường song song. Khi đắp bờ phải dọn hết than bùn, rác rưởi để bờ có lớp đất sét liền sát ven kênh ngắn chảy ngầm và chống sụt lở bờ.

Điều 13. Kênh phụ (kênh cấp tiểu khu) phân chia những khu rừng mà kênh chính đã phân chia thành những tiểu khu ,khoảng cách giữa các kênh phụ với nhau từ 1500m đến 2000m. Kênh phụ (kênh tiểu kích thước: Mặt rộng 3m, sâu 1,5 - 2m: đáy rộng 3 - 4m: đất đào đắp về một bên hoặc 2 bên tạo thành đường bộ đi lại.

Điều 14. Kênh khoảnh,và kênh lô ở rừng tràm được bố trí theo kích thước sau đây: kênh nọ cách kênh kia từ 500 – 1.000m,độ sâu của kênh được xác định theo độ dày của lớp thảm mục và than bùn,đáy của kênh sâu 1,2 - 1,5m phải thấp hơn đáy lớp than bùn trên 20cm,mặt kênh rộng 2 - 3m,đáy rộng 1 - 2m đất đào đắp về một bên.

Điều 15. Trồng băng xanh trên hệ thống kênh mương theo quy định sau:

Hai bờ kênh trồng cây chịu lửa chọn loại cây có thể cho qủa và gỗ vv. .

Ven chân kênh mương trồng cây để phòng chống xói lở bờ và tạo nên đai cây xanh phòng cháy, phải trồng thành băng; dừa nước hoặc một số loại cây chịu lửa sẵn giống ở địa phương rộng 2 - 3m,tạo đai xanh ngăn lửa cháy ngầm,cháy lan và cháy lướt.

Mật độ cây trồng trên băng phải dày hơn mật độ trồng rừng để đai sớm khép tán,nhanh phát huy tác dụng phòng ngừa lửa lan tràn.

 

Mục 3: Nguyên tắc chọn loại cây trồng cây xanh

Điều 16. Chú ý chọn tập đoàn loại cây ở địa phương có sức chống chịu lửa giỏi: cây chứa nhiều nước, có khả năng chịu nhiệt độ cao: vỏ dày, không rụng lá trong mùa khô, cây có sức tái sinh hạt cà chồi mạnh, sinh trưởng phát triển nhanh. Cây trồng trên băng không có cùng loại sâu bệnh hại với cây trồng rừng,hoặc không là ký chủ của các loại sâu bệnh hại cây rừng,cây trồng tạo đai rừng phòng cháy.

 

Mục 4. Xây dựng chòi canh gác lửa cháy rừng

Điều 17: Vị trí chòi canh phải đặt ở nơi có tầm nhìn xa nhất (tối thiểu từ 5 - 10km) để dễ dàng phát hiện các đám khói, hoặc lửa bốc lên, dự đoán được mức độ cháy to hay nhỏ, để huy động kịp thời lực lượng đến dập tắt lửa rừng.

Điều 18: Chòi canh phải có độ cao, cao hơn chiều cao cuả khu rừng, gồm 2 loại:

Chòi chính: Đặt ở vị trí trung tâm cuả vùng rừng dễ cháy, có tầm nhìn xa 10 - 15km, làm bằng nguyên liệu bền chắc, sẵn có ở địa phương, đảm bảo sử dụng lâu dài.

Chòi phụ: Được bố trí trong toàn bộ hệ thống chòi canh, có tầm nhìn xa 3 - 5km.

Chòi chính và chòi phụ: được bố trí theo lưới tam, chòi chính đặt ở trung tâm, chòi phụ đặt ở 3 đỉnh của tam giác.

Điều 19. Yêu cầu khi xây dựng chòi chính và chòi phụ: phải có thang lên xuống, xung quanh chân chòi phải dọn sạch cây trong phạm vi bán kính 20 - 30m, có một gian nhà có 4 cửa để quan sát 4 phía, có bản đồ khu vực rừng cần bảo vệ, có ống nhòm có kẻng để báo động hoặc máy thông tin.

Điều 20 . Mỗi chòi có một nhóm công tác từ 2 - 3 người thay nhau làm việc; vào thời kỳ cao điểm dự báo cháy rừng ở cấp 4 và 5, chòi phải có người làm việc thường xuyên 24/24 giờ 1 ngày. Khi nhân viên quan sát phát hiện thấy cháy rừng, phải xác định toạ độ đám cháy, báo cáo về trung tâm chỉ huy và báo động để kịp thời huy động lực lượng, phương tiện cứu chữa.

 

Mục 5: quy vùng sản xuất nương rẫy đề phòng cháy vào rừng

Điều 21. Các Hạt kiểm lâm nhân dân giúp UBND huyện trong việc thống kê, quản lý, quy vùng, tạm thời xét duyệt và cho phép làm nương rẫy trên những đất đai đã được UBND tỉnh qui định. Trong việc quy vùng nương rẫy, trước hết phải có quy hoạch, phân vùng vạch rõ ranh giới, có mốc bảng, niêm yết ngoài thực địa, lập bản đồ quy hoạch phân vùng loại đất đai làm nương rẫy.

Điều 22. Trong những vùng được phép sản xuất nương rẫy thì khi làm nương phải phát dọn toàn bộ thực bì, phơi khô và vun thành dải rộng 2 - 3m, dải nọ cách dải kia 5 - 6m, dải sát bìa rừng phải cách xa rừng từ 6 - 8m, đốt lúc gió nhẹ vào buổi tối hoặc buổi sáng; đốt lần lượt từng dải, thứ tự từ trên sườn đồi xuống chân đồi.

Điều 23. Lúc đốt phải cử người canh gác. Cứ 10 - 15m có một người gác trên băng. Khi đốt phải báo cáo cho hợp tác xã, tập đoàn sản xuất, ban lâm nghiệp xã và tổ đội quần chúng phòng chữa cháy rừng cuả hợp tác xã. Tuyệt đối không được để lửa cháy lan vào rừng. Đốt xong, kiểm tra toàn bộ nương cho tới khi lửa tắt hẳn.

Điều 24. Gắn chặt việc quy vùng sản xuất nương rẫy với công tác giao đất giao rừng, khoanh rừng cho hộ gia đình, hợp tác xã, cơ quan, đơn vị, công nông trường, xí nghiệp đóng trong rừng và ven rừng quản lý, bảo vệ, kinh doanh, phòng cháy chữa cháy rừng theo đúng chế độ, luật pháp, giữ cho rừng an toàn về lửa trong suốt mùa khô hanh.

 

Mục 6. Xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật dự báo cháy rừng theo phương pháp tổng hợp.

Điều 25. Để chủ động phòng và chữa cháy rừng có hiệu quả cần tiến hành dự báo khả năng có thể xuất hiện cháy rừng ở từng địa phương theo phương pháp tổng hợp gồm 4 nội dung sau:

1. Xây dựng trạm dự báo cháy rừng đặt ở nơi đặc trưng cho tiểu khí hậu cuả cả vùng rừng dễ cháy.

2. Xác định mùa cháy cho rừng, vùng rừng để chủ động phòng chữa cháy rừng ở địa phương.

3. Xây dựng chỉ tiêu cấp cháy: Dựa vào tài liệu khí tượng thủy văn từ 10 - 15 năm cuả từng vùng dễ cháy để tính toán cấp cháy.

4. Lập bảng thang độ cấp dự báo cháy rừng theo 5 cấp dựa trên số liệu tính toán chỉ tiêu cấp cháy cho từng vùng, đề ra biện pháp phòng và chữa cháy ứng với mỗi cấp cháy (từ cấp I đến cấp V).

Điều 26. Phải xây dựng các trạm quan trắc dự báo cháy rừng để theo dõi các yếu tố tiểu khí hậu ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng xuất hiện cháy rừng, hàng ngày thu nhập số liệu 3 lần vào hồi: 7 giờ, 13 giờ, 19 giờ; đo các số liệu: nhiệt độ, độ ẩm không khí, độ ẩm vật liệu cháy, độ ẩm đất, tốc độ gió, mưa vv. . ..

Điều 27. Vị trí trạm dự báo phải đại diện cho cả một khu vực cần theo dõi dự báo cháy rộng 15 - 30 ngàn ha. Nếu khu vực quá rộng, địa hình phức tạp thì bố trí một hệ thống trạm dự báo liên hoàn, có một trạm chính (trung tâm trạm) và các trạm phụ. Nếu địa hình rừng không phức tạp thì cách trạm chính 15 - 20 km có một trạm phụ. Nếu địa hình rừng núi phức tạp thì cách trạm chính 10 - 15 km có một trạm phụ.

Điều 28. Trạm chính làm nhiệm vụ: Xác định mùa cháy hàng ngày, đo đếm các thông số khí tượng, thủy văn, tính toán cấp cháy và thông báo kịp thời cấp cháy để các cơ sở có biện pháp phòng và chữa cháy rừng.

Trạm phụ làm nhiệm vụ đo đếm bổ sung các yếu tố: Lượng mưa, nhiệt độ cao nhất, thấp nhất vv. . .để bổ sung số liệu cấp cháy cho trạm chính tính toán được chính xác hơn.

Điều 29. Khi dự báo cháy rừng nếu đã đến cấp cao nhất (cấp V) mà thời tiết vẫn còn tiếp tục hanh khô kéo dài, khắc nghiệt thì việc dự báo cháy rừng phải tính bổ sung tương quan giữa hàm lượng nước cuả vật liệu cháy với khả năng phát sinh cháy rừng để có biện pháp tích cực ngăn ngừa cháy rừng.

Điều 30. Chi cục kiểm lâm nhân dân có trách nhiệm xây dựng hệ thống trạm dự báo cháy rừng ở những vùng trọng điểm dễ cháy, bố trí lực lượng dự báo và thông báo cấp cháy cho toàn vùng, chỉ đạo thực hiện nghiêm chỉnh việc phòng cháy chữa cháy rừng theo 5 cấp dự báo do UBND tỉnh ban hành.

Điều 31:

a). Khi dự báo cháy rừng đến cấp 3, Hạt trưởng kiểm lâm nhân dân huyện phải trực tiềp tổ chức chỉ đạo lực lượng kiểm lâm nhân dân phối hợp với lực lượng quần chúng bảo vệ rừng tuần tra sát sao ở những vùng ổ lửa vào các giờ cao điểm, bảo đảm 6 giờ 1 ngày (12 - 18 giờ). Đưa hết những người làm ăn trái phép ra khỏi rừng, giữ cho rừng được an toàn về lửa.

b). Khi dự báo cháy rừng đến cấp 4, Hạt trưởng kiểm lâm nhân dân huyện phải trực tiềp tổ chức chỉ đạo lực lượng kiểm lâm nhân dân phối hợp với lực lượng quần chúng bảo vệ rừng tuần tra nghiêm ngặt tại các vùng trọng điểm đến từng tiểu khu rừng, thường trực trên các chòi canh liên tục 10 giờ một ngày (10 - 20 giờ), sử dụng mọi phương tiện thông tin đại chúng kịp thời thông báo diễn biến tình hình; đồng thời báo cáo để UBND huyện tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng cháy, chữa cháy rừng tại các vùng trọng điểm và trong toàn huyện.

c). Khi dự báo cháy rừng đến cấp 5, giám đốc Sở lâm nghiệp và Chi cục trưởng kiểm lâm nhân dân tỉnh trực tiếp đôn đốc tại chỗ và công việc tổ chức chỉ đạo phòng cháy, chữa cháy rừng, tuần tra nghiêm ngặt các tiểu khu rừng thường trực trên các chòi canh liên tục suốt ngày đêm (24/24 giờ), sử dụng mọi phương tiên thông tin, kỹ thuật và đại chúng (kể cả đài truyền thanh, báo chí. . .), để thông báo kịp thời diễn biến tình hình, đồng thời báo cáo UBND tỉnh tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng cháy, chữa cháy rừng tại vùng trọng điểm và trong toàn tỉnh.

Điều 32. Đối với những vùng rừng thông và rừng dễ cháy khác tập trung quy mô lớn dễ xảy ra nạn cháy rừng nghiêm trọng thì lực lượng kiểm lâm nhân dân có nhiệm vụ cùng với đơn vị sản xuất và địa phương tiến hành khảo sát, thiết kế, thi công, bồi dưỡng nghiệp vụ kỹ thuật xây dựng hệ thống thông tin phòng và chữa cháy rừng.

Điều 33 . Các đơn vị được trang bị trạm dự báo cháy rừng, hệ thống thông tin có nhiệm vụ giữ gìn, bảo dưỡng máy móc, trang thiết bị đúng nội quy, bảo đảm việc tính toán dự báo và thông tin cấp cháy thông suốt thường xuyên.

 

Chương III. Phương pháp chữa cháy rừng

Mục 8. Tổ chức chữa cháy rừng bằng phương pháp giới hạn đám cháy

Điều 34. Khi phát hiện đám cháy rừng, phải huy động kịp thời lực lượng, phương tiện thủ công và cơ giới, nguồn nước tại chỗ để cứu chữa, cơ sở báo cáo ngay lên cấp trên để có biện pháp tăng cường lực lượng, phương tiện đến cứu chữa.

Điều 35. Lực lượng chữa cháy tiến hành giới hạn đám cháy bằng cách tạo ra các băng trắng ngăn lửa, có chiều rộng từ 15 - 20m; nếu tốc độ gió lớn, tốc độ lửa lan tràn quá nhanh phải làm các băng trắng có độ rộng 20 - 30m.

Điều 36. Trong điều kiện thời tiết khô kiệt, thực bì trong rừng cùng khô nẻ, khi xảy ra cháy rừng phải:

Tạo ngay băng hẹp giữa các đầu ngọn lửa theo một cự ly tính sao cho thi công xong trước khi ngọn lửa ập đến; phải dọn và vun hết các chất cháy vào giữa băng; cho đốt hết các vật liệu đã vun gọn vào băng.

Cự ly của 2 tuyến dọn sạch quy định như sau:

1. Nếu tốc độ gió 3 - 5km/gy thì khoảng cách giữa 2 tuyến dọn sạch là 20 - 30m.

2. Nếu tốc độ gió trên 6m/gy thì khoảng cách giữa 2 tuyến dọn sạch là 30 - 35m.

Điều 37. Trong trường hợp có nguồn vật liệu lớn, do ảnh hưởng của nhiệt độ cao, cả những cây còn sống cững có thể bị khô héo đi mà cháy theo thì phải làm nhiều đai cản lửa dự phòng. Khi gió quá to, tốc độ lan tràn của lửa quá nhanh, lượng tàn lửa băng qua đai có thể làm bốc cháy các vật liệu ngay sau đai đám cháy đe dọa, tiếp tục làn tràn, thì cũng phải làm nhiều đai cản lửa dự phòng.

Điều 38. Đối với rừng Tràm ở Nam bộ và rừng phân bố trên núi cao có lớp thảm mục dày từ 0,5 trở lên, khi chữa cháy rừng nên đào rãnh để ngăn cháy ngầm. Rãnh phải đào sâu hết lớp thảm mục và xuống tầng đất 20 - 50cm, rộng từ 6 - 10m, thảm mục dọn về phía sau ngọn lửa, đất hắt về phía đầu ngọn lửa sắp lan tràn đến.

Điều 39. Khi lửa cháy, lực lượng bố trí theo 2 cách sau đây:

1. Nếu ngọn lửa phát triển và lan tràn chậm có xu hướng cháy về cả 2 phía trái và phải, thì đội hình nên bố trí từng tiểu đội 8 - 10 người, lực lượng tiến hành phía sau đám cháy về cả 2 bên, dùng nước hoặc đất hay cành cây tươi dập lửa bao vây, không cho lửa lan tràn, đội hình cứ thế tiến đến bao vây khép kín về phía đầu ngọn lửa và dập cho đến khi ngọn lửa tắt hẳn.

2. Nếu tốc độ gió mạnh trên 6m/gy, lửa lan tràn nhanh về phía trước thì đội hình bố trí để phát băng, đào rãnh, hất đất, hoặc dội nước từ phía trước ngọn lửa và tiến về phía sau theo 2 cánh cung cho đến khi khép kín và dập cho lửa tắt hẳn không còn than lửa cháy lại.

Điều 40. Khi chữa cháy có thể sử dụng một trong các biện pháp sau đây để dập lửa: Dùng nước, đất vụn, cắt cành cây tươi hoặc dùng hóa chất như P 2 O 5 , K 2 PO 4 , CO 2 v. v để làm suy yếu ngay 1,2 hoặc cả 3 yếu tố tham gia quá trình cháy: nguyên liệu, oxy, nhiệt.

Điều 41. Sau khai thác phải vệ sinh rừng, tận dụng tất cả các sản phẩm sau khai thác, dọn sạch phế liệu, tạo băng trắng theo đường đồng mức để ngăn lửa cháy lan, cháy lướt dưới tán rừng.

Điều 42. Chú ý đảm bảo an toàn lao động khi chữa cháy rừng; bố trí lực lượng chữa cháy rừng theo từng tổ, nhóm, có người phụ trách chỉ huy thống nhất. Lực lượng chữa cháy phải tập kết phía sau ngọn lửa. Cách xa ngọn lửa trên 100m, xung quanh nơi tập kết nên làm băng trắng ngăn cách trên 50m. Chuẩn bị đủ nước uống và thuốc bỏng, trường hợp bị thương nặng hay bị tử vong phải lập biên bản tại chỗ để sau này tiện việc giải quyết chính sách chế độ.

Điều 43. Khi chữa cháy xong, các Chi cục, trạm, Hạt kiểm lâm nhân dân tiến hành điều tra xác minh, tìm nguyên nhân cháy, lập biên bản và thống kê báo cáo lên cấp trên về thiệt hại do cháy rừng gây ra.

 

Chương IV. Các hình thức tổ chức lực lượng Phòng chữa cháy rừng

Điều 44. Tại các vùng trọng điểm có rừng dễ cháy, lực lượng kiểm lâm nhân dân giúp UBND các cấp xây dựng phương án và thành lập ban chỉ đạo phòng chữa cháy rừng do đồng chí Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch làm trưởng ban, Thủ trưởng hoặc phó Thủ trưởng ngành lâm nghiệp làm phó ban, đại diện các ngành hữu quan tham gia làm ủy viên. Các ngành này có chức năng giúp các cấp Bộ Đảng, chính quyền địa phương tổ chức chỉ đạo, kiểm tra đôn đốc việc phòng cháy chữa cháy rừng ở cơ sở trong suốt mùa khô hanh.

Điều 45. Lực lượng kiểm lâm nhân dân ở các hạt trạm, đội chuyên trách phòng chữa cháy rừng ở vùng trọng điểm vào thời kỳ cao điểm dễ cháy cần được tổ chức thành các nhóm công tác 2 - 3 người, có nhóm trưởng phụ trách: từ 3 - 5 người hợp thành một tổ công tác, có tổ trưởng phụ trách, lực lượng này cần được triển khai đến tận các tiểu khu. Mỗi nhóm phụ trách 1000 - 2000 ha rừng, có nhiệm vụ tổ chức bồi dưỡng, huấn luyện nghiệp vụ cho một tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng gồm 15 - 30 người để cùng nhóm kiểm lâm nhân dân đặc trách phòng chữa cháy rừng.

Điều 46. Mỗi tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng ở thôn, bản gồm có 15 - 20 người, ở các nông trường, lâm trường, xí nghiệp đơn vị vũ trang có 15 - 30 người. Tổ chức này được trang bị các dụng cụ, phương tiên và huấn luyện nghiệp vụ, kỹ tghuật cùng lực lượng kiểm lâm nhân dân ở các tiểu khu làm nhiệm vụ thường xuyên tuần tra, canh gác diện tích rừng được giao khoán để bảo vệ và được hưởng thù lao theo chế độ và nguồn kinh phí do UBND tỉnh quy định.

Điều 47. Trong suốt mùa khô, các Chi cục, Hạt, Trạm kiểm lâm nhân dân hàng năm cần có kế hoạch thật cụ thể mở các đợt tuyên truyền, giáo dục cho phù hợp với đặc điểm của địa phương; các Giám đốc lâm trường, Đội trưởng, Phân trường trưởng có trách nhiệm chỉ đạo sát sao việc phòng cháy chữa cháy rừng trong phạm vi đơn vị quản lý kinh doanh.

 

Chương V. Điều khoản thi hành

Điều 48. Giám đốc các Sở lâm nghiệp căn cứ vào bản quy phạm này để xây dựng bản quy phạm cụ thể phù hợp với tình hình địa phương, trình UBND tỉnh xét duyệt cho ban hành; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Công an, Tòa án, Viện kiểm sát và các cơ quan khác cùng cấp có liên quan để tổ chức chỉ đạo và kiểm tra việc thực hiện bản quy phạm này, xử lý nghiêm minh theo pháp luật những cá nhân và tổ chức gây cháy rừng, khen thưởng kịp thời những người và những đơn vị có nhiều thành tích trong việc phòng cháy chữa cháy rừng.

Giám đốc các lâm trường, Tổng giám đốc các liên hiệp lâm - nông - công nghiệp, Chủ nhiệm các hợp tác xã, Thủ trưởng các đơn vị được giao rừng và đất rừng để kinh doanh, có trách nhiệm vận dụng thực hiện bản quy phạm này đối với lâm phần được giao, nhất là ở những vùng thường hay xảy ra cháy rừng.

Điều 49. Nếu rừng bị cháy do không thực hiện đầy đủ các điều quy định trong phạm vi này thì:

1. Đối với rừng trồng, đơn vị kinh doanh (lâm trường hợp tác xã) không được thanh lý, phải trồng lại rừng ngay năm đó.

2. Đối với rừng tự nhiên, đơn vị kinh doanh phải bỏ vốn tự có để phục hồi lại rừng.

Điều 50. Cục kiểm lâm nhân dân, Vụ kỹ thuật, Vụ công nghiệp, Ban thanh tra có trách nhiệm giúp Bộ tổ chức phổ biến hướng dẫn đôn đốc, kiểm tra việc chấp hành quy phạm này, đồng thời rút kinh nghiệm đề nghị Bộ bổ sung quy phạm cho hoàn chỉnh.

Điều 51. Về kinh phí xây dựng các công trình phòng cháy chữa cháy rừng.

1. Đối với rừng trồng: mọi chi phí đều hạch toán vào giá thành trồng rừng.

2. Đối với rừng tự nhiên: được sử dụng tiền nuôi rừng hoặc kinh phí khoanh nuôi rừng ở địa phương.

Điều 52. Những quy định trước đây trái với nội dung quy định trong Quy phạm này đều bãi bỏ.

 

Bộ lâm nghiệp

 

 


Giới thiệu | Tra cứu | Danh pháp | Diễn đàn | Liên hệ | Văn Bản | Trợ giúp | SVR Mobile

Mọi chi tiết xin liên hệ Admin website Sinh vật rừng Việt Nam
© Ghi rõ nguồn '
Sinh vật rừng Việt Nam' khi bạn phát hành lại thông tin từ Website này