Trang chủ | Tổng quan | Mẫu gỗ | Vườn quốc gia | English

Từ điển Latin-Việt

TỰ NHIÊN BÍ ẨN

THÔNG TIN MỚI

QUI PHẠM CHO RỪNG SẢN XUẤT GỖ, TRE NỨA (PHẦN 1)

 

 

Xem trang 2

 

 

QUI PHẠM CÁC GIẢI PHÁP KỸ THUẬT LÂM SINH

 

 

ÁP DỤNG CHO RỪNG SẢN XUẤT GỖ VÀ TRE NỨA

 

 

Phần một: Những vấn đề chung

Điều 1: Qui phạm này qui định các giải pháp kỹ thuật lâm sinh ứng dụng cho các hiện trạng rừng sản xuất và điều kiện kinh tế xã hội cụ thể, định hướng kỹ thuật dẫn dắt và xây dựng rừng nhằm từng bước nâng cao năng suất, chất lượng tiến tới thâm canh rừng, bảo vệ và phát triển tài nguyên, duy trì tính đa dạng sinh học và bền vững của môi trường, bảo đảm rừng sản xuất lâu dài, ổn định.

Điều 2: Qui phạm này áp dụng cho rừng sản xuất gỗ và tre nứa bao gồm các giải pháp kỹ thuật sau đây.

1. Khai thác - tái sinh

2. Nuôi dưỡng rừng

3. Làm giàu rừng

4. Xúc tiến tái sinh tự nhiên

5. Phục hồi rừng bằng khoanh nuôi

6. Trồng rừng

Điều 3: Qui phạm này là cơ sở pháp lý về kỹ thuật quản lý bảo vệ, xây dựng và phát triển rừng sản xuất và xây dựng các qui trình kỹ thuật lâm sinh, các luận chứng kinh tế kỹ thuật và phương án điều chế rừng sản xuất.

Điều 4: Đối tượng khai thác - tái sinh bao gồm gỗ và tre nứa tự nhiên hay trồng đã thành thục hoặc đã nuôi dưỡng đủ thời gian qui định của chu kỳ kinh doanh ở rừng đều tuổi và luân kỳ chặt chọn ở rừng khác tuổi.

Điều 5: Đối tượng nuôi dưỡng rừng bao gồm:

Rừng trồng hoặc rừng tự nhiên tương đối đều tuổi, ở tuổi từ sau khi rừng khép tán đến 2/3 thời gian của chu kỳ kinh doanh.

Rừng phục hồi trên hết chặt trắng, nương rẫy bỏ hóa, trảng cỏ cây bụi nhưng hỗn loại và không đều tuổi ở độ tuổi như trường hợp 1, trong tầng cây cao, số cây thuộc các loại phù hợp mục tiêu kinh doanh và có phẩm chất tốt đạt mật độ trên 150 - 200 cây/ha đối với kinh doanh gỗ lớn và 500 - 600 cây/ha đối với kinh doanh gỗ nhỏ hoặc tầng cây tái sinh có số cây có giá trị kinh doanh có triển vọng đạt trên 500 - 600 cây/ha đối với gỗ lớn, 1000 - 1200 cây/ha đối với gỗ nhỏ (tính từ cây tái sinh có chiều cao lớn hơn 2m).

Rừng hỗn loại loại tự nhiên không đều tuổi sau khai thác chọn trong khoảng thời gian từ 1/3 đến 2/3 luân kỳ chặt chọn nếu thế hệ kế cận và dự trữ có đủ số cây thuộc các loài phù hợp mục tiêu kinh doanh và có phẩm chất tốt. Với rừng kinh doanh gỗ lớn, mật độ những cây nói trên phải đạt 150 - 200 cây/ha trở lên; với rừng kinh doanh gỗ nhỏ, mật độ phải đạt 500 - 600 cây/ha trở lên.

Rừng hỗn loại loại tự nhiên không đều tuổi sau khai thác chọn không đúng kỹ thuật nhưng có đủ số lượng cây ở tầng cây cao và cây tái sinh thuộc các loài mục đích có triển vọng và phân bố đều như điểm 2 trên đây.

Điều 6: Đối tượng làm giàu rừng bao gồm cả 4 trường hợp thuộc đối tượng nuôi dưỡng rừng nhưng mật độ cây các loài mục đích có phẩm chất tốt không đạt yêu cầu theo qui định tại Điều 5 và cũng không có triển vọng xúc tiến tái sinh thành công như qui định tại Điều 7, đồng thời có đủ các điều kiện kinh tế kỹ thuật, đảm bảo nâng cao hiệu quả kinh doanh thông qua giải pháp làm giàu rừng.

Điều 7: Đối tượng xúc tiến tái sinh bao gồm:

Đất rừng sau chặt trắng, nương rẫy bỏ, nương rẫy bỏ hóa, trảng cỏ cây bụi, bãi bồi có thuận lợi về nguồn giống (nguồn hạt phát tán tự nhiên hoặc chồi gốc, chồi rễ), có thể xúc tiến tái sinh tự nhiên thành công bằng những tác động đơn giản.

Cả 4 trường hợp thuộc đối tượng nuôi dưỡng rừng mà số cây có giá trị nuôi dưỡng ở tầng cây cao không đạt mật độ qui định nhưng có triển vọng xúc tiến tái sinh thành công thông qua các biện pháp kỹ thuật đơn giản.

Điều 8: Đối tượng phục hồi rừng bằng khoanh nuôi bao gồm đất chưa có rừng, nương rẫy cũ, bãi phù sa mới bồi lấp mà quá trình tái sinh và diễn thế tự nhiên hình thành rừng đáp ứng được những yêu cầu kinh tế, xã hội và môi trường trong thời hạn xác định. Chỉ cần bảo vệ mà không cần các tác động kỹ thuật trực tiếp.

Điều 9: Đối tượng trồng rừng bao gồm đất lâm nghiệp chưa có rừng, đất rừng sau khai thác trắng, rừng đã áp dụng các giải pháp kỹ thuật nuôi dưỡng, làm giàu, khai thác để lại cây mẹ gieo giống, xúc tiến tái sinh hoặc phục hồi bằng khoanh nuôi nhưng không thành công.

Điều 10: Khi vận dụng tiêu chuẩn phân loại trên đây, được phép áp dụng những giải pháp có mức độ đầu tư kỹ thuật cao hơn như đã qui định cho từng đối tượng.

Cần áp dụng giải pháp xúc tiến tái sinh cho các đối tượng phục hồi rừng bằng khoanh nuôi.

Cần áp dụng giải pháp làm giàu rừng cho các đối tượng nuôi dưỡng rừng hoặc xúc tiến tái sinh.

Cần áp dụng giải pháp trồng rừng cho tất cả các đối tượng. Việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật lâm sinh có mức độ đầu tư kỹ thuật cao hơn chỉ thực hiện khi có đủ điều kiện:

Đảm bảo đạt hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường cao hơn.

Có đủ các điều kiện kinh tế kỹ thuật, các điều kiện thiết yếu khác.

 

Phần Hai: Rừng gỗ

Chương I: Khai thác - Tái sinh

Mục 1: Khai thác chọn.

Điều 11: Đối tượng khai thác chọn bao gồm:

Các kiểu rừng không đồng tuổi, tái tạo rừng bằng tái sinh tự nhiên.

Rừng đều tuổi cần chuyển hóa thành rừng không đều tuổi.

Nơi có yêu cầu phòng hộ và bảo vệ môi trường cao.

Điều 12: Thông qua khai thác chọn điều chỉnh rừng luân kỳ sau theo các dạng cấu trúc:

Đối với rừng hỗn loại lá rộng thường xanh và nửa rụng lá, rừng tương lai có cấu trúc hỗn loại kín, nhiều thế hệ, với phân bố số cây theo cỡ đường có dạng phân bố giảm, tổ thành loài cây mục đích chiếm từ 70% trở lên.

Đối với rừng hỗn loại lá rộng, rụng lá, rừng tương lai và rừng hỗn loại với hai ba thế hệ, phân tầng rõ rệt hoặc nhiều thế hệ.

Đối với rừng lá kim, rừng tương lai và rừng phân bố theo đám, thuộc nhiều thế hệ kế tiếp.

Điều 13: Cỡ đường kính khai thác chọn nhỏ nhất cho phép, được xác định theo tuổi thành thục công nghệ của rừng và từng địa phương, được cấp có thẩn quyền phê duyệt.

Điều 14 : Cường độ bài chặt cho phép lớn nhất là 45% trữ lượng rừng, bao gồm toàn bộ cây bài chặt và cây đổ gẫy, nhưng độ tàn che còn lại sau khai thác không được thấp hơn 0,4 và không được tạo thành các khoảng trống trong rừng lớn hơn 1500m 2 .

Điều 15: Luân kỳ khai thác chọn phải đảm bảo đủ thời gian để nuôi dưỡng rừng đạt trữ lượng không thấp hơn rừng trước khi đưa vào khai thác lần trước và phải từng bước nâng cao trữ lượng rừng cho tương xứng với tiềm năng của lập địa.

Điều 16: Việc bài cây phải căn cứ tài liệu điều tra tài nguyên rừng và bao gồm các bước sau:

Chọn cây chừa lại là những cây mục đích khả năng gieo giống tự nhiên tốt, những cây mục đích chưa đạt cỡ đường kính khai thác, những cây trong danh mục thực vật quí hiếm Nhà nước đã qui định bảo vệ và những cây đạt đường kính khai thác nhưng ở vị trí trống trải.

Chọn cây bài chặt theo các mục tiêu và các đối tượng sau:

Cây bài chặt vệ sinh rừng là những cây có hại, chèn ép, khống chế, thắt nghiệt các cây gỗ khác và các cây cụt ngọn, cong queo, sâu mục.

Cây bài chặt cải thiện rừng là những cây loài mục đích nhưng thân hình xấu, những loại cây tạp, cây phù trợ tầng dưới ở những nơi rậm rạp ảnh hưởng đến cây con và cây tái sinh.

Cây bài chặt lấy gỗ được xác định từ cây đường kính lớn nhất trở xuống, cho đến khi đạt sản lượng và cường độ cho phép, nhưng không nhỏ hơn đường kính khai thác tối thiểu. Tỷ lệ khối lượng gỗ chặt thuộc đối tượng tại điểm a và b ít nhất phải bằng 20% khối lượng gỗ khai thác thuộc đối tượng tại điểm c.

Đánh dấu cây bài chặt theo qui định của cơ quan Kiểm lâm. Việc bài cây phải do kỹ sư lâm sinh chịu trách nhiệm và tổ chức thực hiện. Sau khi bài cây, phải làm thủ tục kiểm tra theo phương pháp rút mẫu thống kê với dung lượng mẫu 5%. Đơn vị rút mẫu là lô khai thác, nội dung kiểm tra là chủng loại cây, cường độ và khối lượng thiết kế khai thác trong lô.

 

Mục 2: Khai thác trắng.

Điều 17: Đối tượng khai thác trắng bao gồm rừng trồng, rừng tự nhiên đều tuổi, rừng tự nhiên khác tuổi có đủ điều kiện kinh tế kỹ thuật trồng lại rừng có năng suất, chất lượng cao hơn. Rừng khai thác trắng phải đảm bảo tái sinh lại ngay sau khi khai thác và tiêu thụ được mọi sản phẩm đã chặt.

Điều 18: Tuổi khai thác trắng là tuổi thành thục công nghệ. Khi xác định tuổi thành thục công nghệ cần tiếp cận tuổi thành thục số lượng của rừng.

Điều 19: Chỉ được chặt trắng toàn diện và được phép chặt theo băng, theo đám ở nơi độ dốc dưới 15 độ. Phải chặt trắng theo băng hoặc theo đám ở nơi độ dốc từ 15 - 25 độ và nơi có gió khô, sóng biển, mưa lớn. Nơi độ dốc trên 25 độ không được chặt trắng.

Điều 20: Kích thước và bố trí băng chặt, đám chặt:

Chiều rộng băng chặt ở nơi độ dốc dưới 15 độ không quá 60 m và nơi độ dốc từ 15 - 25 độ không quá 30m.

Chiều rộng băng chừa xấp xỉ chiều rộng băng chặt.

Các băng chặt nơi độ dốc dưới 15 độ bố trí thẳng góc với hướng gió chính và nơi độ dốc 15độ- 25 độbố trí song song với đường đồng mức.

Nơi địa hình chia cắt mạnh hoặc đồi bát úp, bố trí chặt trắng theo đám. Diện tích đám lớn nhất không quá 5 ha. Không được chặt trắng đồng thời hai đám liền kề nhau.

Chỉ khai thác tiếp các băng và đám chừa sau khi rừng non trên băng và đám chặt trước liền kề đã khép tán.

 

Mục 3: Khai thác để lại cây mẹ gieo giống.

Điều 21: Đối tượng khai thác để lại cây mệ gieo giống là các kiểu rừng tự nhiên và rừng trồng đã thành thục, hiện tại thiếu các thế hệ cây kế tiếp, nhưng có khả năng tái sinh tự nhiên mạnh khi tán rừng được mở sau khi khai thác.

Điều 22: Tùy theo loại rừng, số cây mệ gieo giống đủ tiêu chuẩn, phân bố đều để lại trên một ha từ 25 - 75 cây. Việc khai thác phải tiến hành vào trước mùa hạt chín.

Điều 23: Kỹ thuật xúc tiến tái sinh và chăm sóc rừng sau khai thác bao gồm:

Xử lý thực bì toàn diện ngay trước mùa hạt chín.

Nếu cần thiết ngay sau khi xử lý thực bì phải cuốc theo rạch, theo băng hoặc theo đám.

Sau 4 - 5 năm mà lớp cây tái sinh vẫn không đủ hoặc phân bố không đều, phải chặt hết cây mẹ gieo giống và trồng lại rừng toàn diện hoặc trồng bổ sung theo đám.

Chăm sóc rừng non theo quy định kỹ thuật chăm sóc rừng trồng tới khi khép tán

Điều 24: Sau khi rừng non khép tán phải tác động theo kỹ thuật nuôi dưỡng rừng trồng. Nếu rừng non bị ức chế, phải loại trừ tận dụng cây mẹ gieo giống.

 

Mục 4: Một số qui định trước, trong và sau khai thác.

Điều 25: Bên thi công chặt hạ phải luỗng phát dây leo trước khi chặt cây 3 tháng để đảm bảo an toàn lao động.

Điều 26: Chiều cao gốc chặt kể từ mặt đất không được lớn hơn 1/2 đường kính gốc hoặc chiều cao bành vè. Phải cắt khúc cây gỗ hợp lý nhất theo qui cách sản phẩm.

Điều 27: Công nhân khai thác gỗ và kỹ thuật khai thác và an toàn lao động phải nắm được những yêu cầu cơ bản về lâm sinh để tránh gây tổn hại đến tái sinh và môi trường.

Điều 28: Việc vận xuất sản phẩm ra khỏi lô khai thác phải hoàn thành trong vòng 15 ngày kề từ khi chặt cây cuối cùng. Nếu không kịp vận xuất phải tạm đình chỉ khâu chặt hạ.

Điều 29: Trong vòng 2 tháng kể từ khi hoàn thành việc chặt hạ vận xuất sản phẩm ra khỏi lô, phải dọn rừng theo các nội dung sau:

Tận dụng cây đổ gãy, cụt ngọn và cành lớn. Băm dập cành ngọn còn lại.

Sửa gốc chặt những cây mục đích có khả năng tái sinh chồi.

Điều 30: Trước khi khai thác phải có thiết kế được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Thiết kế khai thác phải đúng đối tượng và tuân thủ kế hoạch tác nghiệp trong phương án điều chế, phải giải đáp được những nội dung, yêu cầu kỹ thuật và lựa chọn được giải pháp thi công hợp lý. Nội dung của thiết kế khai thác phải thể hiện đầy đủ trên thực địa, trong hồ sơ và trên bản đồ quản lý rừng.

Phải tổ chức tốt việc giám sát, kiểm tra trong và sau khi khai thác. Sau khi khai thác xong bên thi công khai thác phải giao rừng lại cho chủ rừng. Chủ rừng tiến hành nghiệm thu và lập biên bản bàn giao. Sau đó đóng cửa rừng, đưa rừng vào bảo vệ và nuôi dưỡng.

 

Chương II: Nuôi dưỡng rừng

Mục 1: Nuôi dưỡng rừng trồng và rừng tự nhiên đều tuổi.

Điều 31: Rừng trồng và rừng tự nhiên đều tuổi phải được nuôi dưỡng từ khi rừng non khép tán đến trước kỳ khai thác 3 - 5 năm với rừng kinh doanh gỗ nhỏ và 8 - 12 năm với rừng kinh doanh gỗ lớn. Biện pháp nuôi dưỡng chủ yếu là chặt tỉa thưa. Được áp dụng các biện pháp tỉa cành, bón phân, xử lý đất.

Điều 32: Nuôi dưỡng rừng trồng và rừng tự nhiên đều tuổi phải đạt được các mục tiêu sau:

Điều chỉnh và tạo tổ thành hợp lý cho rừng hỗn loại ở từng giai đoạn nuôi dưỡng.

Loại trừ cây phẩm chất xấu, cây sâu bệnh, cây chèn ép.

Điều chỉnh và tạo mật độ hợp lý cho từng giai đoạn tuổi để rừng đạt năng suất và giá trị thương phẩm cao.

Rút ngắn chu kỳ kinh doanh với điều kiện không ảnh hưởng nhiều đến năng suất cuối cùng.

Tận dụng được sản phẩm trung gian tương xứng với đầu tư và bảo đảm được yêu cầu sử dụng đất bền vững.

Điều 33: Việc bài cây chặt nuôi dưỡng phải do kỹ sư lâm sinh chịu trách nhiệm và phải tuân theo các nguyên tắc sau:

Đối tượng nuôi dưỡng là những cây sinh trưởng bình thường, có phẩm chất tốt, tán lá cân đối, ít cành, mắt lớn, không có biểu hiện sâu bệnh và phân phối đều.

Đối tượng bài chặt là những cây sinh trưởng xấu, sắp bị đào thải, cong queo sâu bệnh, cụt ngọn và cành kém giá trị kinh tế, cây nhiều cành mắt đang bị chèn ép cây mục đích.

Điều 34: Chặt nuôi dưỡng phải tiến hành theo các yêu cầu sau:

Mùa chặt tốt nhất là trước mùa sinh trưởng. Số lần chặt từ khi rừng non khép tán đến lúc khai thác, đối với rừng kinh doanh gỗ lớn là 1 - 3 lần và 1 - 2 lần đối với rừng kinh doanh gỗ nhỏ. Trường hợp đặc biệt, với chu kỳ kinh doanh ngắn hoặc rừng có mật độ hợp lý thì không cần chặt.

Phải đảm bảo cho rừng có mật độ hợp lý, đủ độ tán cây nhằm mục đích có đủ không gian dinh dưỡng nhưng không tạo ra khoảng trống lớn trong mỗi lần tỉa.

Điều 35: Cường độ chặt theo 3 mức độ sau:

Mạnh: Khoảng cách giữa các cây chừa bằng đường kính tán cây ở tuổi khai thác chính.

Trung bình: Khoảng cách giữa các cây chừa bằng 1/2 đường kính tán cây ở tuổi khai thác chính.

Yếu: Khoảng cách giữa các cây chừa bằng 1/3 đường kính tán cây ở tuổi khai thác chính.

Điều 36: Thời điểm, số lần và cường độ chặt phải xác định cụ thể tùy theo đặc điểm sinh thái loài cây, điều kiện lập địa, mật độ và mục tiêu sản xuất.

Riêng đối với loài cây ưa sáng mọc nhanh có trục thân thẳng, cần tỉa sớm và mạnh.

Nghiêm cấm việc lợi dụng chặt nuôi dưỡng để khai thác lạm dụng lâm sản.

 

Mục 2: Nuôi dưỡng rừng tự nhiên phục hồi trên trảng cỏ cây bụi và nương rẫy:

Điều 37: Nuôi dưỡng rừng thuộc đối tượng này nhằm loại trừ cây kém phẩm chất, điều chỉnh và tinh giản tổ thành, tạo điều kiện cho các loài cây mục đích tái sinh sinh trưởng phát triển nhanh và dẫn dắt rừng theo cấu trúc định hướng.

Điều 38: Nếu ở tầng cây cao của rừng có số lượng cây mục đích phẩm chất tốt thì đối tượng nuôi dưỡng chính là tầng cây này. Tác động kỹ thuật theo những qui định sau:

Kỹ thuật bài cây:

Chọn cây nuôi dưỡng: Chọn những cây sinh trưởng khỏe mạnh, thuộc nhóm loài cây mục đích, có giá trị kinh doanh.

Chọn cây phù trợ: Chọn những cây ít giá trị, nhưng không có biểu hiện chèn ép những cây nuôi dưỡng.

Bài cây có hại: Bao gồm những cây cong queo, sâu bệnh, phẩm chất xấu, cây hoại sinh thắt nghẹt, cây giá trị kinh tế thấp chèn ép những cây nuôi dưỡng.

Cường độ chặt là kết quả bài cây hợp lý, nhưng không hạ độ tàn che của rừng xuống thấp hơn 0,5.

Thời gian: Chặt 1 - 2 lần từ khi rừng mới khép tán cho đến khi rừng đạt tuổi trung niên.

Chỉ phát dây leo có hại, không cần phát cây bụi thảm tươi.

Điều 39: Nếu ở tầng cây cao của rừng không còn đủ số lượng cây mục đích phẩm chất tốt, nhưng ở tầng thấp mật độ đảm bảo thì đối tượng nuôi dưỡng là lớp cây tái sinh và các cây gỗ ở tầng thấp có giá trị kinh doanh. Tác động kỹ thuật theo những qui định sau:

Lần đầu: Hạ độ tàn che của tầng cây cao xuống 0,2 - 0,3 theo trình tự bài cây từ cây có hại đến cây phù trợ cho đến khi đạt độ tàn che thích hợp.

Phát dây leo có hại, phát cây bụi thảm tươi chèn ép cây mục đích.

Số lần chặt tiếp theo từ 1 - 2 lần với nội dung kỹ thuật như Điều 3 cho đến khi tầng cây tái sinh đạt tuổi trung niên.

 

Mục 3: Nuôi dưỡng rừng sau khi khai thác chọn:

Điều 40: Rừng sau khi khai thác chọn phải đưa vào nuôi dưỡng nhằm loại trừ cây phẩm chất xấu, tạo điều kiện cho những cây mục đích còn lại phát triển thuận lợi, hình thành cấu trúc rừng có đủ các thế hệ: thành thục, kế cận, dự trữ, tái sinh; đồng thời tận thu lâm sản và cải thiện vệ sinh rừng.

Điều 41: Kỹ thuật bài cây:

Chọn cây nuôi dưỡng: cây sinh trưởng khỏe mạnh phẩm chất tốt, thuộc nhóm loài cây mục đích ở mọi thế hệ.

Chọn cây phù trợ: Cây thuộc loài kém giá trị, kinh tế nhưng khỏe mạnh và có tác dụng hỗ trợ cây mục đích.

Cây bài chặt: Cây cong queo sây bệnh, già cỗi, thấp nghẹt, hoại sinh, cây tạp chèn ép cây mục đích.

Điều 42: Cường độ chặt được khống chế bằng độ tàn che cho 2 đối tượng sau:

Đối với rừng sau khai thác chọn hợp lý, không được hạ độ tàn che xuống dưới 0,5.

Đối với rừng sau khai thác chọn không hợp lý, không được hạ độ tàn che xuống dưới 0,5 nếu rừng đã phục hồi, dưới 0,3 đối với rừng chưa phục hồi.

Điều 43: Kỹ thuật chặt hạ cây thực hiện như qui định đối với khai thác chọn và phải triệt để tạn dụng gỗ củi và lâm sản.

Nghiêm cấm việc biến chặt nuôi dưỡng thành một lần khai thác làm hạ cấp rừng và ảnh hưởng tới sự ổn định sản xuất trong luân kỳ.

Điều 44: Phải phát toàn bộ dây leo có hại và cây bụi thảm tươi chèn ép cây tái sinh, băm dập cành ngọn, ngăn chặn sâu bệnh và lửa rừng phát sinh.

Điều 45: Số lần và thời điểm chặt:

Đối với rừng kinh doanh gỗ lớn:

Rừng sau khai thác chọn hợp lý: Việc chặt nuôi dưỡng được thực hiện 1 - 2 lần trong khoảng thời gian từ 1/2 đến 2/3 luân kỳ chặt chọn.

Rừng sau khai thác chọn không hợp lý: Việc chặt nuôi dưỡng được thực hiện 1 - 3 lần lần đầu càng sớm càng tốt, lần cuối không muộn hơn 2/3 luân kỳ chặt chọn.

Thời gian giữa 2 lần chặt từ 7 - 10 năm.

Đối với rừng kinh doanh gỗ nhỏ: Chỉ tiến hành một lần vào thời gian từ 1/3 - 1/2 luân kỳ chặt chọn.

 

Mục 4: Thiết kế và thi công nuôi dưỡng:

Điều 46: Trước khi tác động nuôi dưỡng rừng phải có thiết kế. Nội dung thiết kế nuôi dưỡng rừng phải thể hiện được những chỉ định và tính toán kinh tế kỹ thuật trong hồ sơ và trên hiện trường, đồng thời không trái với nội qui phương án điều chế rừng của hiện trường đó.

Điều 47: Việc thiết kế nuôi dưỡng rừng phải do kỹ sư lâm sinh chịu trách nhiệm. Hồ sơ thiết kế phải được cấp quản lý Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Điều 48: Phải tổ chức tốt việc giám sát kiểm tra trong quá trình thực hiện và tiến hành nghiệm thu sau khi hoàn thành chặt nuôi dưỡng, các tác động kỹ thuật nuôi dưỡng rừng phải được ghi chép đầy đủ trong hồ sơ quản lý rừng. Mỗi đối tượng hay công thức xử lý phải để lại 0,5 - 1 ha làm đối chứng rút kinh nghiệm.

 

Chương III: Làm giàu rừng

Mục 1: Nguyên tắc kỹ thuật

Điều 49: Mục đích của làm giàu rừng là tận dụng sự hỗ trợ của nền rừng cũ đối với cây trồng để xây dựng rừng với cây trồng làm giàu chiếm ưu thế, hỗn loại với cây sẵn có trong rừng tự nhiên.

Điều 50: Cây trồng làm giàu là những loài địa phương hay những loài được dẫn giống từ những vùng sinh thái tương tự có giá trị kinh tế cao, dễ gây trồng, tăng trưởng nhanh, đặc biệt là tăng trưởng chiều cao.

 

Mục 2: Làm giàu rừng theo rạch

Điều 51: Tạo rạch trồng cây:

Rạch trồng cây phải bố trí cách đều, chiều rộng rạch từ 4 - 8m. Phải căn cứ vào tính chịu bóng của cây trồng và chiều cao của băng chừa sau khi xử lý để xác định chiều rộng rạch.

Phải chặt sạch cây trong rạch, nhưng chừa lại toàn bộ cây có giá trị kinh doanh cao.

Sau khi tận dụng gỗ củi phải thu dọn để làm đất.

Điều 52: Xử lý băng chừa.

Chiều rộng băng chừa từ 8 - 12 m. Băng chừa phải được xử lý đồng thời với tạo rạch trồng cây theo các nội dung sau:

Luỗng dây leo có hại.

Chặt hoặc ken cây có chiều cao lớn hơn 15 m, nhưng tránh làm vỡ tán băng chừa.

Giữ lại toàn bộ cây có giá trị kinh doanh.

Điều 53: Mật độ trồng.

Mỗi rạch trồng 1 hàng cây. Cự ly cây trong hàng bằng 1/3 đến 1/2 lần đường kính bình quân tán lá ở tuổi khai thác.

Điều 54: Tiêu chuẩn cây trồng.

Cây trồng phải được tuyển chọn kỹ, phải loại bỏ cây không đạt tiêu chuẩn.

Cây trồng phải đạt chiều cao 0,8 - 1,0 m trở lên.

Được phép gieo thẳng hoặc trồng cây có chiều cao nhỏ hơn với điều kiện, sau một năm tăng trưởng chiều cao bình quân của cây phải trên 1 m.

Được phép trồng bầu hoặc rễ trần hay thân cụt tùy theo loài cây và điều kiện cụ thể.

Điều 55: Kỹ thuật xử lý thực bì, làm đất, trồng, chăm sóc, thời vụ trồng theo qui định của trồng rừng, nhưng kích thước hố trồng cây nhỏ nhất là 40 x 40 x 40 cm.

Điều 56: Từ năm thứ tư đến khi cây trồng đạt chiều cao 8 m thực hiện một số lần chăm sóc, chặt tỉa cây chồi, cây tạp tái sinh và cành nhánh chèn ép cây trồng trên rạch và trong băng rừng cũ.

Sau lần chặt tỉa cuối cùng 7 - 8 năm cho đến 2/3 thời gian của chu kỳ khai thác, tiến hành 1 lần chặt nuôi dưỡng theo các nội dung kỹ thuật qui định trong chương II mục 3.

 

Mục 3: Làm giàu rừng theo đám.

Điều 57: Chỉ tiến hành làm giàu theo đám trên những khoảng trống có sẵn trong rừng diện tích từ 2. 500 m 2 trở lên.

Điều 58: Trên những khoảng trống, việc xử lý thực bì, làm đất, kỹ thuật trồng, chăm sóc được thực hiện theo các định trong các Điều 51, 54, 55, 56.

Riêng mật độ quy định như sau:

Hàng cách hàng bằng đường kính bình quân tán lá ở tuổi khai thác chính.

Cây trồng cách mép rừng tối thiểu 2 - 4 m.

 

 

Xem trang 2

 


Giới thiệu | Tra cứu | Danh pháp | Diễn đàn | Liên hệ | Văn Bản | Trợ giúp | SVR Mobile

Mọi chi tiết xin liên hệ Admin website Sinh vật rừng Việt Nam
© Ghi rõ nguồn '
Sinh vật rừng Việt Nam' khi bạn phát hành lại thông tin từ Website này