Trang chủ | Tổng quan | Mẫu gỗ | Vườn quốc gia | English

Từ điển Latin-Việt

TỰ NHIÊN BÍ ẨN

THÔNG TIN MỚI

QUI PHẠM KỸ THUẬT XÂY DỰNG RỪNG GIỐNG

 

QUY PHẠM KỸ THUẬT
XÂY DỰNG RỪNG GIỐNG CHUYỂN HÓA (QPN 16 - 93)

(Ban hành kèm theo quyết định số 804/QĐ/KT ngày 2/11/1993)

 

Chương I. Điều khoản chung

Điều 1. Quy phạm này quy định những yêu cầu kỹ thuật chủ yếu trong việc chuyển rừng trồng và rừng tự nhiên thành rừng giống để cung cấp lượng hạt giống ổn định và có chất lượng được cải thiện phục vụ trồng rừng theo mục đích kinh doanh.

Điều 2. Nghiêm cấm lợi dụng chuyển hoá rừng thành rừng giống để khai thác rừng.

Điều 3. Diện tích rừng cần chuyển thành rừng giống phải căn cứ vào nhu cầu cung cấp giống phục vụ trồng rừng ở trung ương, địa phương và được tính theo công thức trong phụ biểu số 1.

 

Chương II. Tiêu chuẩn chọn rừng giống và cây trồng

Mục 1. Tiêu chuẩn chọn rừng để chuyển thành rừng giống.

Điều 4. Chỉ được phép chuyển thành rừng giống những khu rừng nằm trong khu vực phân bổ của loài hoặc có các điều kiện tự nhiên tương tự với khu phân bổ, trên các loại đất tốt nhất có qủa cho hạt chắc, nẩy mầm được, có nguồn gốc rõ ràng.

Điều 5. Rừng được chuyển thành rừng giống phải là rừng chưa bị dịch sâu bệnh hại hay chưa khai thác nhựa (với rừng cây lấy nhựa).

Điều 6. Rừng trồng được chọn để chuyển thành rừng giống phải có tiêu chuẩn sau:

1.Chất lượng rừng:

Khu rừng tốt nhất theo mục đích kinh doanh (láy gỗ, củi, nhựa, ta nanh hay tinh dầu vv) của từng địa phương.

Cây rừng trên lâm phần phải sinh trưởng và phát triển tốt, số cây cho sản phẩm đạt yêu cầu theo mục đích kinh doanh phải phân bổ đều và chiếm trên 60 % tổng số cây trên diện tích chuyển hóa.

2.Tuổi rừng:

Tùy theo điều kiện lập địa, đặc điểm sinh trưởng, phát triển của loài để quyết định tuổi cần chuyển thành rừng giống.

Rừng ở giai đoạn rừng tuổi non hoặc rừng sào.

Các rừng tuổi khác muốn được chuyển hóa thành rừng giống thiếu cơ sở phải báo và phải ược phê chuẩn của Bộ lâm nghiệp.

Điều 7. Rừng tự nhiên muốn được chuyển thành rừng giống phải có các điều kiện sau:

Đại bộ phận cây rừng trong lâm phần sinh trưởng tốt, không bị cong keo, sâu bệnh, có hình tán cân đối.

Trong rừng có một hoặc một số loài cây cung cấp hạt giống có chất lượng tốt cho trồng rưng và tái sinh rừng.

Số lượng cây giống của các loài thuộc đối tượng cân chuyển hóa đạt từ 20 cây trở lên trên 1 ha.

 

Mục 2. Tiêu chuẩn chọn cây giống

Điều 8. Phải căn cứ vào mục đích kinh doanh để chọn cây lấy giống.

1. Đối với rừng trồng:

a) Cây lấy gỗ:

Chỉ tiêu chính chọn cây lấy gỗ là đường kính, chiều cao, đoạn thân dưới cành. Theo tiêu chuẩn phân loại cuả Krap, cây được chọn là cây cấp I, cấp II và một phần cây cấp III.

b) Cây lấy nhựa, lấy dầu, tananh vv...

Tiêu chuẩn chọn cây lấy nhựa, tinh dầu, tananh v v ... là sản lượng chất cần lấy phải lớn hơn sản lượng bình quân cuả cây trong lâm phần, hàm lượng các cây có giá trị trong sản phẩm lấy ra chiếm tỷ lệ cao.

2. Đối với rừng tự nhiên.

Cây lấy giống phải là cây đạt tiêu chuẩn theo mục đích kinh doanh, có hình tán cân đối và không bị sâu bệnh hại.

 

Chương III. thiết kế kỹ thuật rừng giống chuyển hoá

Mục 1: Phương pháp điều tra thu thập số liệu.

Điều 9. Điều tra theo tuyến hoặc theo ô tiêu chuẩn điển hình trên diện tích cần điều tra. Ô tiêu chuẩn diện tích 500 m 2 đến 1000 m 2 . Tùy theo diện tích điều tra mà tỷ lệ diện tích cần đo đếm được quy định như sau:

Diện tích điều tra, tỷ lệ diện tích đo đếm

Dưới 5 ha 5%

Từ 5 ha đến 10 ha 4%

Từ 10 ha đến 20 ha 3%

Trên 20 ha 2%

Điều 10. Thu thập và xử lý số liệu điều tra:

Điều tra thu thập số liệu sau: cấp sinh trưởng và phát triển cuả rừng (theo phân cấp cuả Krap), số cây/ha, chiều cao, đường kính 1, 3 m, chiều cao dưới cành, đường kính tán, tỷ lệ cây xấu, tốt, tỷ lệ cây có quả, sản lượng hạt, nhựa, tinh dầu, tananh - căn cứ vào trị số trung bình cuả các nhân tố đã điều tra, căn cứ vào tiêu chuẩn chọn rừng giống và cây giống (Chương II, mục 1) để chọn rừng và cây giống.

 

Mục 2. Xây dựng bản đồ và hồ sơ thiết kế

Điều 11. Mỗi khu rừng cần chuyển thành rừng giống phải xây dựng bản đồ thiết kế bao gồm các nội dung sau:

Ranh giới khu rừng giống, tên khoảnh, tên lô cần chuyển hóa, hệ thống đường, hệ thống bảo vệ, băng cách ly. Đường băng cản lửa theo quy phạm phòng cháy chữa cháy rừng thông, rừng Tràm và một số loại rừng dễ cháy khác (QPN 8 - 86) ban hành theo Quyết định số 975 - QĐKT ngày 20 - 10 - 1984 cuả Bộ lâm nghiệp. Tỷ lệ bản đồ: 1/6. 000 - 1/10. 000.

Điều 12. Hồ sơ thiết kế kỹ thuật chuyển hóa thành rừng giống gồm các nội dung sau:

Tình hình tự nhiên: Loại đất, đá mẹ, độ dốc, hướng dốc, độ cao so với mặt biển, nhiệt độ không khí trung bình, tối thiểu, tối đa và lượng mưa.

Tình hình rừng: Nguồn gốc rừng, năm trồng, mật độ ban đầu và hiện tại, chiều cao, đường kính bình quân, tình hình ra hoa, kết quả, sâu bệnh hại.

Các biện pháp kỹ thuật:

Số cây để lại cuối cùng.

Số lần tỉa, cường độ và chu kỳ chặt, phương pháp bài cây, các biện pháp chăm sóc sau chuyển hóa.

Tổng hợp chi phí dự toán.

 

Mục 3. Thiết kế các biện pháp kỹ thuật

Điều 13. Nguyên tắc chặt tỉa thưa khi chuyển rừng thành rừng giống:

Tuyển chọn nhiều lần nhằm để lại những cây cho sản phẩm đạt mục đích kinh doanh.

Có cường độ chặt và số lần chặt phù hợp với loài cây và lập địa.

Việc xác định các chỉ tiêu kỹ thuật tỉa thưa cần căn cứ vào các điều kiện sau:

1. Mật độ cuối cùng và cường độ chặt tỉa thưa.

Tùy theo đặc điểm sinh trưởng cuả loài, điều kiện lập địa, mật độ ban đầu và mật độ cuối cùng, tốc độ sinh trưởng, sự phát triển cuả tán lá, tỷ lệ cây xấu và tốt trong lâm phần để xác định mật độ cuối cùng, cường độ, chu kỳ và số lần chặt tỉa thưa.

Tùy theo loài cây, mật độ cuối cùng biến động từ 200 cây đến 600 cây trên 1 ha.

Với các loài cây ưa sáng, điều kiện lập địa tốt, cây sinh trưởng nhanh, tán lá lớn, mật độ trồng ban đầu dày, cần phải tỉa thưa với cường độ 40 - 50% tính theo số cây và ngược lại.

2. Số lần và chu kỳ chặt tỉa thưa:

Thông thường chặt tỉa thưa được tiến hành từ 2 lần trở lên với cường độ chặt lần đầu lớn hơn các lần tiếp theo.

Tỉa thưa lần đầu: Tỉa thưa lần đầu được bắt đầu khi trong lâm phần có sự cạnh tranh về không gian dinh dưỡng giữa các cây rừng. Cây chặt là cây cấp V, IV theo phân cấp cuả Krap, cây sâu bệnh, cây bị chèn ép.

Tỉa thưa các lần tiếp theo: chặt một phần hay toàn bộ cây cấp III, cây có sản phẩm theo yêu cầu kém. Ưu tiên giữ lại các cây cấp I, II, cây có sản lượng nhựa, tinh dầu, tananh v v ... cao.

Chu kỳ chặt được xác định tùy theo đặc điểm sinh trưởng, phát triển cuả từng loài, cường độ tỉa lần trước. Chu kỳ chặt tỉa là 3 - 4 năm một lần.

Điều 14. Nguyên tắc bài cây: phải đánh dấu những cây giữ lại trước, đánh dấu cây chặt sau.

a) Đối với rừng trồng và rừng tuổi.

1. Cây giữ lại:

Cây cấp I, cấp II và một phần cây cấp III (theo phân cấp cuả Krap với cây lấy gỗ).

Cây có sản lượng và chất lượng nhựa, tinh dầu, tananh cao so với cây trong lâm phần cần chuyển hóa.

2. Cây loại bỏ:

Cây cấp V, cấp IV và một phần cây cấp III (phân theo cấp cuả Krap), cây cong queo sây bệnh, cây bị chèn ép, cây cụt ngọn, cây chia nạng, hai thân v v ...

Cây có sản lượng nhựa, tinh dầu, tananh v. v thấp.

b) Đối với rừng tự nhiên:

Cây để lại là cây có thân hình đẹp, không sâu bệnh.

Điều 15. Kỹ thuật tỉa thưa:

1. Bài cây:

Trước khi chặt phải tiến hành bài cây theo các nguyên tắc nêu trên.

Cây giữ lại phải đánh dấu một vòng quanh ở thân ở độ cao 1 - 3m.

Cây chặt phải đánh hai dấu theo cùng một hướng, một dấu ở độ cao 1,3m, một dấu các gốc 0, 10cm bằng loại sơn khác với màu sắc cuả cây.

Việc bài cây phải do một nhóm cán bộ kỹ thuật thực hiện.

2.Thời gian chặt:

Thời gian chặt tốt nhất là trước mùa sinh trưởng.

3.Kỹ thuật chặt:

Chặt sát gốc, hướng đổ không ảnh hưởng đến cây giữ lại.

Sau khi chặt phải dọn sạch gỗ và cành nhánh vận chuyển ra khỏi lâm phần.

Khi chặt phải bảo đảm 3 yêu cầu đối với chặt nuôi dưỡng rừng là:

a) Không chặt 2 cây liền nhau trong một lần chặt.

b) Tạo điều kiện cho tán cây để lại có đủ không gian để sinh trưởng, phát triển.

c) Giữ lại cây bụi, thảm tươi không có hại đối với cây tái sinh để bảo đảm không làm thay đổi lớn hoàn cảnh dưới tán rừng.

Điều 16. Chăm sóc rừng sau khi chặt tỉa thưa.

a) Đối với rừng trồng: Tiến hành cuốc xới quanh gốc cho cây giữ lại với bán kính 0,5m - 1mét.

Tùy loài cây và tùy theo mục đích kinh doanh phải bón phân với liều lượng và phương pháp thích hợp cho cây giữ lại (như đã được qui định trong quy phạm trồng rừng giống và vườn giống).

b) Đối với rừng tự nhiên:

Phải tiến hành cuốc xới xung quanh gốc cây mẹ với bán kính 0,5m đến 1m, phải bỏ thực bì, dây leo, bụi rậm, bón phân (nếu có điều kiện) và vun gốc.

Điều 17 . Bảo vệ rừng giống sau chuyển hóa:

Phải có qui ước bảo vệ rừng giống treo ở bìa rừng trước đường vào rừng giống.

Phải có người chuyên trách để theo dõi quá trình ra hoa, kết quả, dự báo sản lượng hạt giống và bảo vệ rừng giống chống sự phá hoại cuả người và động vật.

Hàng năm phải dọn đường ranh cản lửa cho rừng giống các loài cây lá kim và lá rộng dễ bị cháy theo quy phạm phòng và chống cháy rừng và phải tuân thủ các điều khoản qui định trong qui phạm về dự báo cháy và chữa cháy.

 

Chương IV. Điều khoản thi hành

Điều 18 . Đơn vị sản xuất kinh doanh giống ở cơ sở muốn chuyển hóa rừng thành rừng giống phải lập hồ sơ thiết kế theo nội dung qui định trên và thực hiện bản thiết kế sau khi được phê duyệt.

Điều 19. Nhiệm vụ phê duyệt thiết kế kỹ thuật chuyển rừng thành rừng giống được qui định theo phân cấp cuả Bộ lâm nghiệp.

Điều 20. Các Cục, vụ, ban chức năng thuộc Bộ lâm nghiệp có trách nhiệm tổ chức hướng dẫn, phổ biến kỹ thuật, kiểm tra việc thực hiện quy phạm này ở các cơ sở sản xuất kinh doanh giống trong ngành lâm nghiệp.

Điều 21. Tất cả các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống, các Sở nông lâm nghiệp đều phải nghiêm chỉnh chấp hành quy phạm này.

Các cơ sở sản xuất kinh doanh giống, các địa phương phải căn cứ vào quy phạm này để xây dựng những quy trình kỹ thuật xây dựng rừng giống chuyển hoá cho từng loài cây.

Những quy định trong các quy trình đó không được trái với quy phạm này và phải được các cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định cuả Bộ lâm nghiệp. Dự thảo các quy trình phải được Bộ lâm nghiệp cho phép mới được ban hành, sau khi ban hành phải đăng ký tại Bộ lâm nghiệp.

Điều 22. Các quy phạm, quy trình, hướng dẫn kỹ thuật đã ban hành trước đây trái với các điều khoản trong quy phạm này đều bị bãi bỏ.

Điều 23. Các đơn vị, cá nhân chấp hành tốt quy phạm này sẽ được khen thưởng. Nếu vi phạm sẽ bị xử lý theo pháp luật hiện hành.

 

 


Giới thiệu | Tra cứu | Danh pháp | Diễn đàn | Liên hệ | Văn Bản | Trợ giúp | SVR Mobile

Mọi chi tiết xin liên hệ Admin website Sinh vật rừng Việt Nam
© Ghi rõ nguồn '
Sinh vật rừng Việt Nam' khi bạn phát hành lại thông tin từ Website này