Trang chủ | Tổng quan | Mẫu gỗ | Vườn quốc gia | English

Từ điển Latin-Việt

TỰ NHIÊN BÍ ẨN

THÔNG TIN MỚI

KHAI THÁC RẮN BIỂN Ở VIỆT NAM VÀ VỊNH THÁI LAN

Nguyễn thiên Tạo – Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam.

 

Rắn biển (đẻn biển) là nhóm rắn có nọc rất độc, với trên 20 loài có ghi nhận ở Việt Nam. Mỗi năm đã có khoảng 80 tấn rắn biển được khai thác và thu hoạch tại Vịnh Thái Lan, phần lớn trong số này xuất khẩu sang Trung Quốc và Việt Nam phục vụ sử dụng làm thực phẩm và làm thuốc. Việc khai thác này đã làm cho các quần thể rắn biển tại đây suy giảm nghiêm trọng và có nhiều rủi ro cho ngư dân khi bị rắn biển cắn.

 

Kết quả nghiên cứu về tình trạng khai thác, thu hoạch các loài rắn biển ở Vịnh Thái Lan, trong đó có Việt Nam được các nhà nghiên cứu thuộc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, Viện Hải dương học Nha Trang thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam và Đai học Chicago, Đại học Miami, Hoa Kỳ đăng trên tạp chí Conservation Biology, tập 28, số 6, tháng 12 năm 2014.

 

   

Người dân địa phương thu hoạch rắn biển về đêm trên các tàu câu mực (Ảnh: Zoltan Takacs)


Nghiên cứu được thực hiện từ năm 2009 đến 2012 với mục đích thu thập số liệu và tìm hiểu các nguyên nhân suy giảm số lượng các quần thể rắn biển tại Vịnh Thái Lan điểm nóng về đa dạng và khai thác các loài rắn biển. Rắn biển được ngư dân các tàu đánh bắt thuỷ sản ngoài khơi thu lượm cùng với các loài thủy sản khác, phần lớn là các tàu câu mực. Các ngư dân sử dụng ánh sáng đèn điện có công suất lớn ban đêm để thu hút và câu mực; ánh sáng này cũng được cho là hấp dẫn các loài rắn biển. Chuyến đi biển của các ngư dân khoảng 15 – 20 ngày mỗi tháng, rắn biển được giữ sống trong các thùng nhựa và được bán cho các thương lái khi tàu cập bến. Các thương lái sẽ chọn lọc phân chia theo nhóm kích thước, đóng vào các hộp xốp có lỗ thông hơi để giữ sống và vận chuyển. Phần lớn số rắn biển này được trung chuyển qua Việt Nam và xuất khẩu sang Trung Quốc, một số ít được tiêu thụ tại các nhà hàng ở Thành phố Hồ Chí Minh và Vũng Tàu. Số liệu điều tra và phân tích cho thấy đã có trên 220 nghìn con tương đương khoảng 80 tấn rắn biển được ngư dân địa phương thu hoạch hàng năm.

   

Rắn biển được phân loại bằng tay không theo kích thước tại bến (Ảnh: Zoltan Takacs)


Rắn biển được chế biến thành các món ăn như súp, lẩu, hoặc chiên dòn; ngoài ra còn ngâm với rượu để uống theo dân gian dùng chữa bệnh đau khớp, đau lưng, biếng ăn, mất ngủ, và tăng cường sức khoẻ.
Ở Việt Nam, việc đánh bắt và khai thác rắn biển được quy định chung với các loài thuỷ sản khác trong luật thủy sản số 17/2003/QH11 và Nghị định số 59/2005/ND-CP. Điều 3 Nghị đinh 59 có ghi “Tổ chức, cá nhân khai thác thuỷ sản trên các vùng biển và các vùng nước tự nhiên khác của Việt Nam phải có giấy phép khai thác thuỷ sản do cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cấp”, do vậy việc khai thác rắn biển ở Việt Nam là không vi phạm luật pháp.
Các loài rắn biển có nọc rất độc, có thể gây chết người khi bị cắn. Việc đánh bắt, khai thác và thu hoạch rắn biển vào ban đêm và đều bằng tay đã có nhiều rủi ro cho các ngư dân và nguy hiểm đến tính mạng khi không may bị rắn biển cắn.
Kết quả nghiên cứu cho thấy nguyên nhân của sự sụt giảm các loài rắn biển có thể là do xu hướng khai thác quá mức trong nhiều năm qua. Việc đánh bắt rắn biển ở khu vực này đã diễn ra và không được chú ý bởi các tổ chức bảo tồn trong nước và quốc tế cũng như các nhà quản lý. Do vậy cần thiết phải có chương trình giám sát dài hạn việc thu hoạch các loài rắn biển tại khu vực này để đánh giá mức độ ảnh hưởng của việc khai thác này tác động tới các quần thể rắn biển ngoài tự nhiên, nhằm mục đích bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên.

 

 


Giới thiệu | Tra cứu | Danh pháp | Diễn đàn | Liên hệ | Văn Bản | Trợ giúp | SVR Mobile

Mọi chi tiết xin liên hệ Admin website Sinh vật rừng Việt Nam
© Ghi rõ nguồn '
Sinh vật rừng Việt Nam' khi bạn phát hành lại thông tin từ Website này