Trang chủ | Tổng quan | Mẫu gỗ | Vườn quốc gia | English

Từ điển Latin-Việt

TỰ NHIÊN BÍ ẨN

THÔNG TIN MỚI

MỘT SỐ “GỐC TỪ” VÀ “DẠNG TỔ HỢP” GỐC HI LẠP VÀ LATIN DỄ NHẦM LẪN TRONG THUẬT NGỮ CHUYÊN NGÀNH

Đỗ Xuân Cẩm – Giảng viên Đại học Huế

Phần 1: Một vài nguyên tắc gọi tên bậc phân loại thực, động vật...

 

Phần 2: Thuật ngữ chi "giống" trong phân loại sinh vật...

Phần 6: Hướng dẫn cách viết Latin dược liệu...

Phần 3: Danh pháp loài...

Phần 7: Hướng dẫn cách đọc Latin...

Phần 4: Danh pháp các taxon thuộc các bậc phân loại trên loài...

Phần 8: Một số "gốc từ" và "dạng tổ hợp" gốc Hi lạp và Latin...

Phần 5: Làm sao để viết hoa tên một sinh vật chính xác...

Phần 9: Danh pháp chi thực vật - viết sai - giải pháp...

 

Trong quá trình học tiếng Anh chuyên ngành Sinh học (SH) và Sinh học Kĩ thuật (SHKT), người học thường được trang bị hàng loạt thuật ngữ chuyên môn, thông qua các bài khóa. Khi đọc hiểu nội dung bài khóa, người học có thể được sự hỗ trợ trực tiếp hay gián tiếp của giảng viên để nắm nghĩa các thuật ngữ đó. Dần dần, họ tích lũy ngày càng nhiều khiến kho tàng thuật ngữ trong tâm thức của họ giàu lên. Nhờ vậy, họ có khả năng đọc hiểu, dịch thuật một số tài liệu chuyên ngành, giúp họ phát triển chuyên môn tốt hơn. Thông thường, do học tiếng Anh không chuyên, người học chỉ tiếp cận các thuật ngữ theo kiểu đơn hướng, cứ gặp thuật ngữ mới thì tìm nghĩa tiếng Việt tương ứng, rồi học thuộc lòng. Hầu như rất ít sinh viên ngành SH và SHKT chọn phương pháp học thuật ngữ theo kiểu đa hướng, có nghĩa là họ chỉ dừng lại ở việc hiểu nghĩa của từ, mà không tìm hiểu mối quan hệ nhiều chiều của từ đó, đặc biệt là về mặt cấu tạo từ. Do vậy, khi gặp những từ có hình thái tương tự, họ thường nhầm lẫn, thậm chí hoang mang, nghi ngờ chính cả bản thân mình. Theo tôi, một trong những hoạt động hết sức quan trọng khi học thuật ngữ là tìm hiểu tiếp ngữ (affixes), gốc từ (roots, sau đây viết tắt là r.) và dạng tổ hợp (combining form, sau đây viết tắt là c.f.) hiện hữu trong đó.

Bài viết này chỉ xét ở góc độ "gốc từ và dạng tổ hợp" nguồn gốc Hi Lạp và Latin trong thuật ngữ tiếng Anh có khả năng dễ gây nhầm lẫn cho người học, không đề cập tiếp ngữ. Tôi lấy ví dụ, một gốc từ Hi Lạp rất quen thuộc với học viên ngành SH và SHKT là "mon-" (từ nguyên Hi Lạp là μονος, phiên âm Latin là monos, có nghĩa là đơn, một), dạng tổ hợp là "mono-". Có lẽ đa số sinh viên SH và SHKT khá quen thuộc với những thuật ngữ monopeptide, monosaccharide khi đã học Hóa học, Sinh hóa học…, monandrous, monaxial, monocyte , monocot, monocerous… khi đã học Sinh học, Thực vật học, Động vật học. Họ nhớ nằm lòng nghĩa của gốc từ mon- và dạng tổ hợp mono- là đơn, một. Nhưng do học kiểu đơn hướng, khi gặp từ mới nomocyte nhiều sinh viên đã chịu ảnh hưởng của quán tính khiến họ dịch máy móc là đơn bào (do nhầm với monocyte). Có một số sinh viên có tính chủ động, phát hiện dạng tổ hợp ở thuật ngữ này không phải là mono- mà nomo -, và những người trong số họ có thể ngẫu nhiên hình thành 3 nhóm hoạt động khác nhau. Nhóm thứ nhất thiếu thận trọng cho rằng thuật ngữ đó mắc lỗi chính tả, rồi tự động sửa lại là mono-. Nhóm thứ hai thận trọng hơn, tra cứu từ điển, nhưng do sử dụng từ điển phổ thông nên chẳng tìm thấy, cuối cùng cũng theo nhóm thứ nhất. Nhóm thứ ba tìm ra nghĩa của dạng tổ hợp " nomo -" là "động", nhưng chưa chắc đã thuyết phục nỗi bạn bè, lâu ngày ít dùng có thể quên đi rồi cũng lơ lửng khi tái hiện. Thật ra, nom(o)- là gốc từ và dạng tổ hợp gốc Hi Lạp (νομος à nomos), có nghĩa "động", nên thuật ngữ "nomocyte" được hiểu là "động bào tử", còn "monocyte" được hiểu là "đơn bào".

Như vậy, khi tiếp cận thuật ngữ, nếu không cẩn trọng, trong một số trường hợp, người học rất dễ "trông gà hóa cuốc". Trong kho tàng thuật ngữ SH và SHKT tiếng Anh có khá nhiều gốc từ và dạng tổ hợp có hình thái hao hao nhau, đặc biệt là khi nó được viết tay, do viết không rõ ràng, sẽ khiến người đọc hiểu sai, từ đó truyền thông lệch lạc thông tin một cách ngớ ngẩn.

Để chứng minh nhận xét này, tôi đơn cử một vài ví dụ dễ nhầm lẫn, có tần suất gặp gỡ cao trong các tài liệu SH và SHKT như sau:

1. brachi- / brachy-

1.1. brachi- ( r. Latin của brachium : cành nhánh, cánh tay): vd: brachiferous (có phân nhánh), brachiplex (búi, đám rối cánh tay), brachiophere (gờ tay)…

1.2. brachy- ( c.f. gốc Hi Lạp βραχις, phiên âm Latin brachis : dày, ngắn): vd: brachyblast (chồi ngắn), brachycerous (có sừng ngắn), brachydont (răng ngắn)…

2. chrom(o)- / chron(o)-

2.1. chrom(o)- ( r. và c.f. gốc Hi Lạp κρομα, phiên âm Latin chroma : màu sắc): vd: chromasia (sự gia tăng nhiễm sắc chất), chromatie (nhiễm màu), chromatin (nhiễm sắc chất), chromocyte (tế bào sắc tố), chromoplast (sắc lạp)…

2.2. chron(o)- ( r. và c.f. gốc Hi Lạp κρονος, phiên âm Latin chronos : thời gian): vd: chronofauna (quần hệ động vật theo thời gian), chronogenesis (trình tự phát triển theo thời gian)…

3. cyst(o)- / cyt(o)-

3.1. cyst(o)- ( r. và c.f. gốc Latin cystis và gốc Hi Lạp κυςτις, phiên âm Latin kystis : nang, túi, kén): vd: cysticercus (nang sán), cystocarp (quả túi), cystocyte (tế bào túi)…

3.2. cyt(o)- ( r. và c.f. gốc Hi Lạp κυτος, phiên âm Latin kytos : tế bào): vd: cytobiology (sinh học tế bào), cytochrome (sắc tố tế bào), cytocyst (kén tế bào, bào xác)…

4. goni(o)- / gon(o)-

4.1. goni(o)- ( r. và c.f. gốc Hi Lạp γονια, phiên âm Latin gonia : vuông cạnh): vd: goniocarpous (có quả vuông cạnh), goniocladous (có cành vuông cạnh), goniocyst (kén vuông cạnh)…

4.2. gon(o)- ( r. và c.f. gốc Hi Lạp γονος, phiên âm Latin gonia : sinh dục, sinh sản): vd: gonoblast (tế bào sinh sản), gonocoel (khoang tuyến sinh dục), gonocyte (tế bào sinh dục nguyên thủy)…

5. hem(t)(o)- / hemi-

5.1. hema(t)(o)- ( r. và c.f. gốc Hi Lạp αιμα, phiên âm Latin aima, và gốc Latin haema : máu): vd: hemathermous (có máu nóng), hematid (hồng cầu), hematoblast (nguyên bào máu)…

5.2. hemi- ( r. và c.f. gốc Latin hemis, cũng được hiểu là một dạng tiếp đầu ngữ : bán, nửa): vd: hemiarthrosis (khớp bán động), hemiatrophy (chứng teo nửa người), hemiparasite (vật bán kí sinh)…

6. neur(o)- / neutr(o)-

6.1. neur(o)- ( r. và c.f. gốc Hi Lạp νευρον, phiên âm Latin neuron : thần kinh): vd: neurasthenia (bệnh suy nhược thần kinh), neuratrophia (sự teo dây thần kinh), neurobiology (sinh học thần kinh)…

6.2. neutr(o)- ( r. và c.f. gốc Hi Lạp νευτρον, phiên âm Latin neutron : trung tính): vd: neutralize (làm trung hòa), neutrocyte (bạch cầu trung tính), neutrophilic (ưa trung tính)…

7. phyl(o)- () / phyll(o)- ()

7.1. phyl(o)- ( r. và c.f. gốc Hi Lạp φυλον, phiên âm Latin phylon : giống nòi, ngành): vd: phylembryo (phôi huyết thống), phyletic (ngành), phylogenesis (sự phát sinh chủng loại)…

7.2. phyll(o)- ( r. và c.f. gốc Hi Lạp φυλλον, phiên âm Latin phyllon, phyllum : lá): vd: phyllade (lá vảy tiêu giảm), phylloclade (cành dạng lá), phyllogenesis (sự phát triển lá)…

8. phil(o)-/ phyl(o)-

8.1. phil(o)- ( r. và c.f. gốc Hi Lạp φιλος, phiên âm Latin philos : thích): vd: philotherm (thực vật nhiệt đới)

8.2. phyl(o)- ( r. và c.f. gốc Hi Lạp φυλον, phiên âm Latin phylon : giống nòi, ngành): 7.1

9. proct(o)- / prot(o)-

9.1. proct(o)- ( r. và c.f. gốc Hi Lạp πρωκτος, phiên âm Latin proktos : hậu môn): vd: proctiger (thùy hậu môn), proctodaenum (ống hậu môn), proctostasis (sự táo bón)…

9.2. prot(e)(o)- ( r. và c.f. gốc Hi Lạp πρωτος, phiên âm Latin protos : tiền, đầu tiên, trước tiên, nguyên thủy): vd: proteandry = protandry (tính nhị chín trước), protanthesis (sự bắt đầu nở hoa), protogenic (khởi sinh), protokaryon (nhân non), protoplasm (chất nguyên sinh)…

10. prote(o)- () / prot(o)- ()

10.1. prote(o)- ( r. và c.f. gốc Hi Lạp πρωτειος, phiên âm Latin proteios : protein): vd: proteolysis (sự phân giải protein), proteometabolism (sự chuyển hóa protein)…

10.2. prot(o)- ( r. và c.f. gốc Hi Lạp πρωκτος, phiên âm Latin proktos : vd: tiền, đầu tiên, trước tiên, nguyên thủy): 9.2

11. xen(o)- / xer(o)-

11.1. xen(o)- ( r. và c.f. gốc Hi Lạp kenos - κενος : lạ): vd: xenobiotic (sinh cảnh lạ), xenogamy (tính thụ phấn chéo), xenogenous (ngoại lai)…

11.2. xer(o)- ( r. và c.f. gốc Hi Lạp keros - κερος : khô): vd: xerocarpous (có quả khô nẻ), xerochora (sinh cảnh khô), xeromorph (dạng chịu hạn)…

. . .

Như vậy, tôi nghĩ rằng, để tránh những nhầm lẫn dễ có khi tiếp cận hệ thống thuật ngữ chuyên ngành, dẫn đến hiểu sai nội dung thông tin, người học nên học theo kiểu "đối chiếu". Trong thời đại truyền thông tiên tiến hiện nay, có quá nhiều phương tiện tra cứu để học tập và nghiên cứu. Điều còn lại là, người học có thật sự cầu thị, cầu tiến hay không? Điểm hạn chế lớn nhất hiện nay không còn là nguồn tài liệu, mà là sự thiếu năng động trong học tập, thiếu tìm tòi, sáng tạo trong nghiên cứu. Khuôn khổ bài viết không cho phép viết dài, người viết chỉ mong những gì mình trình bày là một sự khơi mào giúp sinh viên SH và SHKT tìm ra hướng đi cần thiết.

 

 

 

 

 


Giới thiệu | Tra cứu | Danh pháp | Diễn đàn | Liên hệ | Văn Bản | Trợ giúp | SVR Mobile

Mọi chi tiết xin liên hệ Admin website Sinh vật rừng Việt Nam
© Ghi rõ nguồn '
Sinh vật rừng Việt Nam' khi bạn phát hành lại thông tin từ Website này