Trang chủ | Tổng quan | Mẫu gỗ | Vườn quốc gia | English

Từ điển Latin-Việt

TỰ NHIÊN BÍ ẨN

THÔNG TIN MỚI

CẤU TẠO HÌNH THÁI QUẢ Ở THỰC VẬT

     

 

 

 

 

 

GIẢI THÍCH THUẬT NGỮ

 

Quả: Quả hay trái cây là cơ quan của thực vật hạt kín phát triển từ hoa sau khi thụ tinh: nó bảo vệ và phát tán hạt khi quả chín. Quả có thể đơn (do một bầu phát triển) hoặc kép (do nhiều bầu của cả cụm hoa phát triển).

Vỏ quả là vách của quả, phát triển từ vách của bầu. Nó gồm ba lớp là vỏ quả ngoài, vỏ quả giữa và vỏ quả trong. Vỏ quả giữa là phần chủ yếu, có chứa các chất dự trữ, mọng nước, nạc hay không. Còn vỏ quả trong, có khi hoá gỗ và phân biệt với vỏ quả giữa (như ở Đào, Mận, Dừa), có khi phát triển thành những lông tuyến mọng nước (như tép của Cam, Quít, Bưởi).

Cũng có những loại quả mà vỏ quả khô đi và khi chín sẽ nứt ra (quả nang, quả đại, quả đậu, quả hộp) hay không nứt ra (quả bế, quả có cánh).

Ta thường gặp các dạng quả sau: quả bế, quả kiên, quả chóc, quả có cánh, quả đại, quả đậu, quả cải, quả cải nhỏ, quả hộp, quả hạch. Còn những dạng quả kép như quả tụ, quả phức.

Quả bế: Quả khô không mở do một hoặc nhiều lá noãn tạo thành nhưng chỉ có một ở trong đó chứa một hạt, vỏ hạt riêng biệt với vỏ quả. Quả bế có khi có phần phụ kéo dài hình sợi như chiếc dù, giúp cho sự phát tán. Như quả của nhiều cây họ Cúc - Asteraceae.

Quả kiên: Vỏ quả ngoài cứng lại, hoá gỗ, không mở, chứa một hạt, xếp từ 1 - 3 quả trong một bao chung hình cái đấu bao ở gốc. Như quả của cây hạt Dẻ.

Quả thóc hay quả đĩnh: Quả khi khô, chín không mở, vỏ quả và vỏ hạt dính liền nhau, ngoài quả thường có một rãnh nhỏ, lông tơ hay gờ nổi. Như quả cây họ Cỏ - Poaceae.

Quả có cánh hay quả đực: Quả khó không mở. Trên quả có phần phụ là những cánh mỏng, phẳng do đài phát triển lên hoặc những gờ mỏng chạy xung quanh do vỏ quả ngoài tạo thành.

Quả đại: Quả khô khi chín mở theo một đường nứt dọc thành hai mảnh nhỏ dính liền nhau. Quả một ô do một lá noãn tạo thành, trong chứa một hoặc nhiều hạt.

Quả đậu hay quả giáp: Quả khô một ô, thường tự mở theo hai khe dọc, một theo đường bụng, một theo đường lưng của mép lá noãn thành 2 mảnh vỏ, mỗi mảnh đều mang một dây hạt. Như quả cây họ Đậu Fabaceae.

Quả cải hay quả giác: Quả khi khó chín, nứt ra theo 4 đường dọc, mở thành 2 mảnh vỏ để lại một vách ngăn ở giữa mang hạt. Thường quả có hình trụ, chiều dài gấp nhiều lần ơn chiều rộng một it. Như quả cây họ Cải Brassicaceae.

Quả nang: Quả do một số lá noãn tạo thành, khi khó mở ra theo các cách: mở vạch, mở lỗ, mở ngăn, mở bằng nắp (quả hộp).

Quả thịt: Quả do một số lá noãn hợp thành, thường mềm hay nạc, không mở. Vỏ quả ngoài thường dai, vỏ quả giữa và vỏ quả trong hoá thịt (cơm quả) chứa nhiều dịch.

Quả hạch: Quả thịt không mở, thường chỉ có các lớp vỏ bao bọc một hạt, vỏ quả ngoài tương đối mỏng, nạc hay dai, vỏ quả giữa nạc là phần thịt, còn vỏ quả trong hoá gỗ, tạo thành hạch cứng bao lấy hạt. Như quả Đào, quả Táo.

Quả tụ: Quả hình thành bởi một hoa mà bộ nhụy gồm một tập hợp nhiều lá noãn xếp sít nhau, nhưng không hàn liền. Như quả cây Dâu tây, quả cây Hoa hồng.

Quả phức: Quả hình thành do một khối nguyên vẹn của nhiều hoa độc lập tụ họp lại mà thành. Nói cách khác, quả phức là quả do cả một cụm hoa tạo nên. Như quả Sung, Ngái, Mít, Dứa

 

 

 

 


Giới thiệu | Tra cứu | Danh pháp | Diễn đàn | Liên hệ | Văn Bản | Trợ giúp | SVR Mobile

Mọi chi tiết xin liên hệ Admin website Sinh vật rừng Việt Nam
© Ghi rõ nguồn '
Sinh vật rừng Việt Nam' khi bạn phát hành lại thông tin từ Website này