Trang chủ | Tổng quan | Mẫu gỗ | Vườn quốc gia | English

Từ điển Latin-Việt

TỰ NHIÊN BÍ ẨN

THÔNG TIN MỚI

NHỮNG KẺ KHÔNG DIỆP LỤC SỐNG BÁM

Bài Ảnh: Phùng mỹ Trung - Nguyển Anh Tuấn 

Nhờ có quá trình quang hợp, thực vật có khả năng tạo cho chúng các chất dinh dưỡng từ nhửng hợp chất vô cơ đơn giản để chuyển hoá thành những phần tử phực tạp nuôi dưỡng cơ thể chúng. Quá trình này sử dụng năng lượng ánh sáng được hấp thu nhờ sắc tố màu lục - Diệp lục và thực vật còn đặc trưng bởi có vách tế bào bằng Xenluloza, không có khả năng chuyển động tự do ngoại trừ một số thực vật hiển vi có khả năng chuyển động được. Thực vật còn khác ở động vật là chúng phản ứng rất chậm với sự kích thích, sự phản ứng lại thường kéo dài và chỉ trong trường hợp có nguồn kích thích kéo dài.
Trong tự nhiên có một số loài thực vật kỳ lạ như một ngoại lệ và là một phần không thể tách rời trong các khu rừng nhiệt đới, Á nhiệt đới Việt Nam. Những loài này không có chất diệp lục trên cơ thể chúng mà sống nhờ vào dinh dưỡng từ các chất hữu cơ phân huỷ từ sinh vật khác hoặc từ mô chết. Quá trình này phát triển hết sức chậm chạp trong tiến trình sự sống của chúng nhằm tích luỹ dưỡng chất để tập trung cho quá trình phát hoa. Hầu hết các loài thực vật này sống ở các vùng núi cao, là những loài thuốc quí trong dân gian. Tuy nhiên số lượng loài rất hiếm gặp đối với ngay cả những nhà nghiên cứu về thực vật. Một số loài đã được đưa vào sách đỏ Việt Nam.

 

1. Dó đất hoa thưa Balanophora laxiflora
Trên đỉnh Mẫu Sơn - Cao Bằng, ở độ cao 1600m so với mặt biển loài thực vật Balanophora laxiflora đã được đưa vào sách đỏ Việt Nam đang khoe sắc trong cái lạnh cuối thu và như báo hiệu những cơn gió mùa Đông bắc sẽ tràn về. Có thể bạn chưa một lần chiêm ngưỡng vẻ đẹp của loài thực vật ký sinh này Cây ký sinh trên rễ, màu nâu đỏ, không có diệp lục, cao 10 - 20cm. Củ hình trứng, đường kính 2 - 2,5cm, bề mặt sần sùi và có mụn hình sao nổi rõ. Thân khí sinh (là cuống cụm hoa) mang 5 - 10 lá dạng vảy ở phần gốc. với cụm hoa đơn tính, khác gốc, họp thành cụm hoa dạng bông nạc. Hoa cái không có bao hoa, mọc ở quanh chân của vảy bảo vệ, vảy hình trứng lõm ở đỉnh, 1 vòi nhụy. Khi loài thực vật quí hiếm này phát hoa và chỉ khi có hoa mới rễ phát hiện còn thời gian sinh trưởng của chúng nằm sâu dưới lớp thảm mục thực vật và ký sinh vào những rễ các loài thực vật khác bị chết. Với khả năng sinh sản vô tính (tái sinh bằng cách đẻ nhánh) chúng có thể tạo thành những đám hoa rất lớn rực rỡ sắc màu.
Vào khoảng thời gian tháng 10- 11 là lúc loài này phát hoa, mọc rải rác trong rừng cây lá rộng, trên núi đá, nơi ẩm, ở độ cao 600 - 2300 m. Mới chỉ gặp ở vườn quốc gia Cúc Phương, tỉnh Ninh Bình, và Kon Tum (núi Ngọc Pan), Mẫu Sơn - Cao Bằng. Đây là nguồn gen qúy hiếm và rất độc đáo, cây còn được dùng làm thuốc. Hiện nay chúng là loài bị săn tìm ráo riết để phục vụ cho những bài thuốc tăng cường sinh lực cho các quí ông và nếu những cánh rừng đầu nguồn biến mất thì hệ luỵ kéo theo sự tuyệt chủng của loài đã được đưa vào sách đỏ Việt Nam này.

 

 

  Dó đất hoa thưa Balanophora laxiflora - Ảnh: Phùng mỹ Trung  

 

2. Đầu chuỳ Rhopalocnemis phalloides 
Trong các loài thực vật ký sinh thì loài cây Đầu chuỳ Rhopalocnemis phalloides thực sự mang đến cho bạn những điều kỳ thú đáng để chiêm ngưỡng. Loài cây ký sinh trên rễ này hoàn toàn không có lá và không có diệp lục, cao 15 - 25cm. Thân mập., dạng củ, màu vàng đậm hoặc vàng nâu. Hoa đơn tính cùng gốc hoặc khác gốc, họp thành cụm hoa dạng bông nạc, nếu cây cùng gốc thì hoa cái tập trung ở phía dưới còn hoa đực ở đỉnh cụm hoa. Các hoa được bảo vệ bởi những vảy dạng tán nhiều cạnh. Hoa đực có bao hoa dạng ống, ở đỉnh rách không đều hoặc xẻ thành 4 thùy, nhị hợp thành khối phấn hình đầu. Hoa cái có bao hoa dính ở đầu và tạo thành 2 mào ở phía đỉnh, bầu hình trứng, 2 vòi rời nhau từ gốc. Đây là loài được đưa vào sách đỏ Việt Nam vì nó là nguồn gen qúy, hiếm, đại diện duy nhất của chi, Rhopalocnemis đơn loài ở nước ta, rất độc đáo về mặt hình thái học. Hiện tại loài này được xếp vào mức độ đe dọa: Bậc R. Do sự phân bố của nó rải rác trong rừng và ở độ cao từ 1500m trở lên nên khi rừng bị khai thác loài này rất dễ bị tuyệt chủng do bị mất môi trường sống. Hãy cảm nhận về loài thực vật kỳ lạ, độc đáo này ở Việt Nam và chung tay bảo vệ những cánh rừng nơi nó tồn tại để cho thế hệ tương lai của chúng ta còn có cơ hội hiểu biết và nghiên cứu sâu về các dược tính của chúng.
Loài này được các nhà nghiên cứu phát hiện ọc rải rác trong rừng (ký sinh trên rễ) cây lá rộng, ở độ cao khoảng 1.000 - 2.000 m ở Kontum (dãy núi Ngọc Pan), Lâm Đồng (dãy núi Bì Đúp). Gia Lai (núi Konkakinh) và cũng là nguồn gen qúy, hiếm. Đại diện duy nhất của chi, Rhopalocnemis đơn loài, rất độc đáo về mặt hình thái học. Do là loài quí hiếm nên đã được đưa vào sách đỏ Việt nam. Cây mọc rải rác trong rừng, khi rừng bị khai thác loài này rất dễ bị tuyệt chủng do bị mất môi trường sống.

 

 

  Đầu chuỳ Rhopalocnemis phalloides - Ảnh: Phùng mỹ Trung  

 

3. Dó đất nấm Balanophora fungosa

Trong các loài thực vật thuộc họ dương đài Balanophoraceae thì Dó đất nấm Balanopphora fungosa có vùng phân bố rộng khắp từ Ấn Độ, Đông Dương đến đảo Hải Nam, bán đảo Malaixia, đảo Sumatra (Inđônêxia), vài đảo ở Thái Bình Dương và Ôxtrâylia. Ở nước ta có gặp từ Hà Tây tới An Giang. Đây là loài mọc phổ biến trong rừng thường xanh, ở độ cao (150) 500 - 2.600. Ra hoa quanh năm nhưng chủ yếu từ tháng 11 - 4, sống ký sinh trên rễ các loài cây thân gỗ, cả cây gỗ và dây leo, như rễ củ nhiều loài cây của các chi Cissus, Tetrastirma thuộc họ nho và nhiều loại cây họ Đậu Fabaceae
Cây sống ký sinh ở trên rễ cây khác; thân thoái hóa thành một củ có nhiều dạng khác nhau, thường gồm nhiều thùy. Hoa đơn tính khác gốc. Cụm hoa đực dài, trục hoa ở gốc, có một ít lá; bao hoa 4 - 7 thùy; nhị có 4 - 7 bao phấn. Cụm hoa cái ngắn, hoa không có bao hoa và chỉ có những khối hình trứng có chân và kéo dài bằng một sợi mảnh.
Đồng bào dân tộc ở Ninh Thuận thường dùng cây sắc nước uống làm thuốc trị bệnh đau bụng và đau toàn thân. Có người dùng nó như vị tỏa dương làm thuốc ngâm rượu bổ tinh, cường tráng mạnh gân cốt. Tuy nhiên những kiểm chứng về mặt khoa học chưa được làm rõ. Chúng ta không nên sử dụng vì có thể ngộ độc và nguy hiểm

 

 

  Dó đất nấm Balanophora fungosa - Ảnh: Phùng mỹ Trung  

 

4. Dó đất đài rộng Balanophora latisepala
Dãy núi Minh Đạm thuộc tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu với bạt ngàn các loài sinh vật tồn tại chỉ còn là trong ký ức của nhiều thập kỷ trước đây đối với người dân sống quanh vùng núi này. Giờ đây chúng chỉ còn trơ trọi những tảng đá mẹ bạc phếch cùng năm tháng và những lùm cây bụi lúp xúp bao quanh. Mặc dù sự tàn phá của con người như muốn tuyệt diệt các loài sinh vật đã được tạo hóa ban tăng cho thiên nhiên nơi đây. Nhưng đâu đó trong các hang sâu, kẽ đá loài Dó đất đài rộng Balanophora latisepala vẫn tồn tại và phát triển trong các vách đá ẩm ướt, thiếu sáng. Loài thực vật ký sinh không thân, có củ cứng, mặt nhăn nhúm, có mụn hình sao. Cụm hoa cái hình đầu tròn, màu nâu đỏ, cuống ngắn. Hoa cái giữa các lá bắc hình dùi. Cụm hoa đực cao 7 - 8cm, hoa có cuống, nhị do 10 - 12 bao phấn. Thường ký sinh trên rễ của nhiều cây gỗ và dây leo như các loài thực vật họ cỏ Poaceae, và một số loài cây gỗ lớn như Bồ đề, Trôm, Đa, Si .... Những bông hoa màu trắng và không có diệp lục này thường khoe sắc vào tháng 8 đến tháng 10 để tô điểm cho vùng đất thấm đẫm xương, máu các anh hùgn cách mạng. Tuy nhiên hiện nay chúng đang bị khai thác đến cạn kiệt cho nhu cầu làm thuốc và rất có thể một lần nữa những cá thể thực vật cuối cùng sẽ tuyệt chủng bởi bàn tay con người chúng ta.

 

 

  Dó đất đài rộng Balanophora latisepala - Ảnh: Phùng mỹ Trung  

 

5. Dó đất cúc phương Balanophora cucphuongensis
Đây là loài đặc hữu hẹp của miền Bắc Việt Nam, lần đầu tiên loài này được các nhà nghiên cứu Nguyễn Tiến Bân phát hiện ở khu vực Bống thuộc vườn quốc gia Cúc Phương, tỉnh Ninh Bình năm 1995. Với chiếc củ sần sùi, không có mụn hình sao. Thân khí sinh (là cuống cụm hoa) mang 6 - 10 lá dạng vảy, phiến lá hình mũi mác, dài 1,5 - 2cm, rộng 1 - 1,5cm. Hoa đơn tính, khác gốc, hợp thành bông nạc; cả cụm hoa đực và cụm hoa cái đều hình trứng hay hình đầu. Hoa đực không có cuống rõ, bao hoa gồm 3 mảnh đều nhau. khối phấn bị ép ngang. Hoa cái mọc ở xung quanh chân vảy bảo vệ; vảy hình trứng cụt đầu. Hiện nay loài này được đưa vào sách đỏ Việt Nam

 

 

  Dó đất cúc phương Balanophora cucphuongensis - Ảnh: Nguyển Anh Tuấn   

 

 


Giới thiệu | Tra cứu | Danh pháp | Diễn đàn | Liên hệ | Văn Bản | Trợ giúp | SVR Mobile

Mọi chi tiết xin liên hệ Admin website Sinh vật rừng Việt Nam
© Ghi rõ nguồn '
Sinh vật rừng Việt Nam' khi bạn phát hành lại thông tin từ Website này