Trang chủ | Tổng quan | Mẫu gỗ | Vườn quốc gia | English

Từ điển Latin-Việt

TỰ NHIÊN BÍ ẨN

THÔNG TIN MỚI

TRẮNG ĐÊM ĐI ĐUỔI VOI DỮ

Phùng Mỹ Trung – Admin Sinh vật rừng Việt Nam

 

“Chúng tôi chẳng biết xoay xở thế nào với 6 miệng ăn cho đến vụ lúa sang năm” đó là lời than vãn trên khuôn mặt méo xuyệch của anh Lê Đình Tam một người dân làm rẫy thuộc ấp 7, xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai “cả tháng nay đêm nào các ông cũng về quần nát hơn 7 sào lúa của nhà tôi. Mặc dù đêm nào cũng thức trắng dùng đủ các loại phương tiện gõ, nổ đất đèn, đèn chiếu sáng mà các ông vẫn không sợ, vẫn vào phá có đếm ba đến bốn lần. Mấy tháng nay mọi người không được ngủ phần lo giữ tài sản, hoa màu và tính mạng vậy mà ngày hôm sau lại phải dậy sớm đi làm mướn kiếm tiền nuôi con. Nhưng gia đình tôi lo nhất là tính mạng mấy đứa trẻ vì nếu ông vào mà phá nhà thì không biết chúng sẽ chạy thế nào ???” anh Tam cho biết thêm. Đó là những nỗi cực khổ của rất nhiều bà con đang làm rẫy ở đây khi lũ “voi dữ” kéo về lộng hành suốt nhiều tháng qua.

 

HÀNH TRÌNH ĐUỔI VOI DỮ

Cơn mưa chiều cuối mùa nặng hạt như phủ trắng cả bầu trời cùng cánh rừng thường xanh khu vực Bàu Điền thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Vĩnh Cửu Đồng Nai. Bóng tối trong rừng đến rất nhanh, bao trùm lên khắp cánh rừng và cơn mưa như một điềm lành báo hiệu cho một đêm tìm kiếm thức ăn dễ dàng cho các loài thú ăn đêm. Giờ này lũ voi rừng cũng ngấu đói sau một ngày nghỉ ngơi và tiêu hóa thức ăn. Đâu đó trong các thảm mục thực vật lũ vắt rừng đói khát mùi tanh của máu cũng đang chờ đợi con mồi kiếm ăn ngang qua để chúng có cơ hội bám vào, hút máu. Trong căn nhà lá đơn sơ của gia đình anh Tam bữa tối đạm bạc cũng được dọn ra và mọi người đang vui vẻ ăn uống nói chuyện sau một ngày lao động mệt nhọc. Anh Tam hồ hởi nói về cây súng bắn đất đèn mới mà anh vừa chế tạo để đuổi voi. Cây súng dài gần 2 m đặt ngay cạnh góc nhà và có thể với tiếng nổ rất lớn sẽ khiến cho đàn voi đói khát sẽ khiếp sợ mà bỏ chạy không dám bén mảng đến ruộng rẫy nhà anh. Bên cạnh súng nổ đất đèn là chiếc máy cưa anh Tam đã tháo phần ống giảm thanh từ chiều và đổ đầy xăng. Tiếng nổ máy của chiếc cưa máy rít lên từng hồi cũng là phương tiện khá hiệu quả đuổi voi mấy tháng nay mỗi khi chúng liều mình vào ăn xoài hay xuống ruộng phá lúa.

 

 

 

 
Dụng cụ đuổi đàn voi dữ tấn công ruộng rẫy
 

 

Chưa ăn xong chén cơm bỗng ba tiếng nổ khá to có lẽ là xuất phát cách xa vài cây số, chị Tam thông báo với mọi người là lũ voi đang có mặt ở ruộng lúa nhà ông Điền cách đó khoảng 2km. Có lẽ quá quen thuộc với những tiếng nổ vang xa này gia đình anh chị cũng đoán biết được lũ voi đang tấn công vào vườn hay rẫy nhà ai. Bỏ vội chén cơm anh Tam cùng tôi vác các dụng cụ đuổi lủ voi dữ ra lều rất nhanh nhẹn và khẩn trương vì anh cho biết lũ voi bị đuổi sẽ đến ruộng lúa của gia đình anh và bà con quanh xóm rất nhanh. Nếu không đến trước giờ, chúng có thể đã phá nát mất phần lúa con lại mà cả gia đình anh trông đợi để có miếng ăn từ nay đến vụ lúa sang năm.

Ra đến lều đuổi voi canh lúa thì hầu hết các thành viên là đàn ông trong xóm đã có mặt đầy đủ. Từng ánh đèn pin cực mạnh quét qua quyét lại phía bìa rừng gần sát ruộng lúa nơi lũ voi thường chui ra từ khu vực rậm rạp này. Mọi người mỗi người một việc tay cầm thau chậu làm phèng la và 6 cây súng bắn đất đèn hướng về phía bìa rừng. Tôi rút chiếc ống nhòm trong tùi ra đưa lên nhìn và đội lên đầu chiếc đèn đi rừng như thường lệ. Hôm nay chiếc ống nhòm đã rất hiệu quả vì có thể phát hiện ra lũ voi từ xa mà không cần phải lại gần. Mọi người im lặng chờ đợi lũ voi dữ ra phá lúa, đồng hồ đã chỉ 8:30 phút không gian bìa rừng vắng lặng thỉnh thoảng chỉ là tiếng kêu gọi bầy của lũ chim ăn đêm. Có lẽ đây là lần đầu tiên trong đời nghiên cứu tôi có dịp được tiếp cận với lũ voi trong điều kiện khó khăn và có đông người đến thế.

 

 

 

 
Cả xóm tập trung đuổi voi phá rẫy
 

Anh trăng giữa tháng cũng đã lên cao nhưng nhìn xa cả khu rừng với một màu trắng đục mờ ảo. Cánh đồng lúa đang chín thỉnh thoảng làn gió nhẹ đưa mùi hương lúa đầu mùa thoảng qua thơm ngát trong bầu không khí thực sự trong lành của khu BTTN Vĩnh Cửu. Tôi lặng lẽ ngắm nhìn thành quả mà mồ hôi tiền bạc, công sức cũa những người dân nơi đây sắp đến ngày thu hoạch và chỉ vài ngày nữa thôi niềm vui mùa gặt sẽ ngập tràn trong từng căn nhà nơi xóm nhỏ còn khó khăn này. Nhưng … “ Có lẽ tại hôm nay có khách lạ nên lũ voi không muốn cho người lạ xem mặt ” anh Hợp bắt đầu câu chuyện đùa với tôi và mọi người cùng cười lên vui vẻ. Tôi đưa ống nhòm về phía góc bìa rừng bỗng thấy một chiếc vòi thò ra sau bụi rậm. Con voi ngà lệch đầu đàn lù lù kéo ra bờ ruộng và đàn voi cái, voi con gần chục mạng ùa theo. Khi anh Tam vừa quát lên “lũ voi đến kìa” thì những tiếng nổ đất đèn vang lên đùng đùng, tiếng cưa máy rít lên, tiếng gõ thau chậu, phèng la tứ phía làm náo loạn cả một góc rừng. Những chiếc đẻn bình mở hết công xuất chiếu thẳng vào lũ voi háu đói. Vài con voi con sợ hãi quay đầu vào rừng, lũ voi cái cố gắng dùng vòi quơ lầy những bông lúa ăn càng nhanh càng tốt trước khi chạy trốn.

Riêng con voi đực ngà lệch hình như nó chẳng sợ vì quá quen với âm thanh này nhiều lần nên nó cứ lừng lững tiến vào đám ruộng và cúi xuống vơ lúa cho vào miệng nhai ngon lành như chẳng có chuyện gì xảy ra. Anh Tam cầm cây súng đất đèn hồi chiều, bỏ 2 cục đất đèn thật lớn và đổ nước vào rồi vác ra gần con voi ngà lệch và châm lửa đốt. Một tiếng nổ rất to vang khắp cả khu rừng khiến con voi ngà lệch hoảng hốt hú lên một tiếng dài chạy thẳng vào rừng. Mọi người được một phen cười vỡ bụng khi con voi to lớn cả tấn thịt bị hoảng sợ vì tiếng nổ. Khi lũ voi chạy trốn hết vào khu rừng mọi người kéo nhau về ngôi chòi đuổi voi canh lúa tạm bợ và tiếp tục chiến đấu với lũ voi. Một đêm có thể lũ voi dữ tấn công hoa màu ba đến bốn lần vì chúng đi đến đâu cũng bị con người xua đuổi nên phải tìm mọi cách để kiếm ăn lấp đầy chiếc dạ dày to tướng cùa cả bầy.

 

 

 
Đàn voi chạy trốn vào rừng khi nghe tiếng nổ lớn - Ảnh: Phạm đình Dũng
 

“Mỗi một đêm tiền đất đèn, tiền xăng khoảng 50.000đ để đuổi lũ voi được chia đều cho gia đình có rẫy và chưa kể đầu tư cho 1 ha lúa tiền chi phí khoảng 20 triệu đồng. Nhưng nếu chỉ lơ là một đêm thì lũ voi có thể biến cả cánh đồng lúa thành con số không” anh Hợp chia xẻ. “Mặc dù lũ voi tàn phá rất nhiều gia đình trắng tay nhưng chúng tôi chỉ dám xua đuổi và không dám đụng đến chúng vì pháp luật sẽ xử phạt rất nặng với chúng tôi do vậy chúng tôi là những người chịu thiệt thòi nhất vì sự tàn phá của lũ voi rừng. Hiện nay điều mong muốn nhất của chúng tôi là cần được sự giúp đỡ của cấc cấp chính quyền nhà nước có thể hỗ trợ cho chúng tôi một phần mất mát do voi tàn phá để ồn định cuộc sống” anh Tam cho chúng tôi biết với một giọng nói lạc điệu giữa đêm khuya khoắt vì mệt mỏi suốt mấy tháng nay hầu như đêm nào anh cũng phải thức trắng để xua đuổi lũ “voi dữ”

Cuộc rượt đuổi lũ voi háu đói trong đêm lại tiếp tục ba lần nữa thì trời sáng, mặt trời lấp ló sau cánh rừng thường xanh của khu bảo tồn thiên nhiên Vĩnh Cửu Đồng Nai. Những tia nắng buổi sáng chiếu xuống cánh đồng lúa đang chín vàng rực rỡ. Hít sâu mùi hương lúa đến chín căng lồng ngực sau một đêm mệt mỏi với những người nông dân chân chất sống quanh khu bảo tồn chiến đấu, xua đuổi với lũ voi rừng đói khát. Chúng tôi trở về nhà đón chào một ngày mới và cũng bắt đầu là một ngày lao động mệt mỏi để mưu sinh của những người dân suốt đêm qua không ngủ để bảo vể thành quả của họ đã đổ mồ hôi, bán lưng cho trời, bán mặt cho đất mong đến ngày thu hoạch. Trong tôi cũng nặng trĩu, ngổn ngang những điều không thể diễn tả nổi vì chẳng biết phải làm gì tốt hơn giúp cho những người dân hiền lành chân chất nơi đây.

 

 

 
Con voi ngà lệch đầu đàn đang phá lúa - Ảnh: Phạm đình Dũng
 

CUỘC ĐẤU TRANH ĐỂ TỒN TẠI

Tại sao loài voi về phá nương rẫy nhà cửa ? tại sao chúng không tự kiếm ăn trong rừng mà phải liều mình ra tàn phá hoa màu của người dân ? Đó chính là một mảng tối của bức tranh sinh học, đấu tranh sinh tồn của con người sống gần các khu Bảo tồn thiên nhiền, Vườn quốc gia và các loài động vật được bảo tồn trong khu vực. Trong thiên nhiên hoang dã việc tấn công kẻ thù để tranh dành thức ăn và lãnh địa sống là một tập tình ở hầu hết các loài động vật hoang dã vì nơi đó sức mạnh của kẻ mạnh luôn chiến thắng và chiếm lĩnh những nơi ở tốt nhất, nguồn thức ăn tốt nhất. Cuộc chiến sinh tồn này không chỉ giữa các loài động vật hoang dã với nhau mà còn giữa con người sống, kiếm kế sinh nhai gần các khu vực sinh sống của các loài động vật hoang dã. Đôi khi cuộc chiến trở thành tàn bạo vì chính con người chúng ta phải thiệt mạng vì sự giận giữ của chúng.

Một điều hết sức dễ dàng lý giải cho cuộc xung đột này đó chính là chúng ta đã tàn phá môi trường sống của các loài động vật hoang dã để lấy đất phát triển nông nghiệp. Việc thu hẹp đất sống của chúng đẫn đến biến mất nhiều nguồn thức ăn của chúng trong tự nhiên. Chính con người chúng ta đầy các loài động vật hoang dã đến con đường cướp phá thức ăn, đến bờ vực của sự tuyệt chủng. Hơn nữa nguồn thức ăn là cây trồng như xoài, mít, mía, lúa gạo sẽ có nhiều nguồn dinh dưỡng hơn sẽ hấp dẫn các loài hoang dã hơn so với các thức ăn hoa quả cây cỏ kiếm được trong rừng hiện nay và khi đã được thưởng thức nguồn thức ăn này một cách đễ dàng làm cho khả năng săn mồi và tìm kiếm thức ăn bản năng của chúng trong rừng dần dần bị mất đi khiến cho chúng chỉ biết quanh quẩn đâu đó nghỉ ngơi trong rừng và tàn phá mùa màng kiếm ăn khi có cơ hội.

Một trong những quan niệm mang tính đạo đức là mỗi loài sinh ra đều có quyền tồn tại. Con người hoàn toàn không có quyền tiêu diệt các loài mà ngược lại phải nỗ lực hành động nhằm hạn chế tối đa sự tuyệt chủng của chúng

CHÂN DUNG VOI DỮ

Voi châu Á có tên khoa học là Elephas maximus thuộc họ v oi Elephantidae và b ộ có vòi Proboscidea. Loài thú có kích thước cỡ lớn nhất trên cạn. Dài thân 4000 - 6000mm, dài đuôi 1000 - 1500mm, dài bàn chân sau: 400 - 500mm, chiều cao 2500 - 3000mm, trọng lượng 3500 - 5000kg. Môi trên và mũi phát triển thành vòi dài chấm đất. Hai răng lớn phát triển thành ngà. Voi đực có 2 ngà dài tới 1500mm, nặng 15 - 20kg. Có 12 răng hàm, mỗi bên 3 cái mọc sát nhau gần như một cái. Da rất dày, lông thưa, dài, cứng, màu nâu xám ( đôi khi trắng ).

Mỗi ngày voi ăn khoảng 150 - 300kg cỏ lá cây, cành cây nhỏ, mắng tre nứa. Thời gian có chửa 21 - 22 tháng, chu kỳ sinh sản 4 - 5 năm một lứa. Mỗi lứa đẻ 1 con. Voi sơ sinh nặng 90 - 100kg cao tới 1m. Tuổi sinh đẻ từ 15 - 50 tuổi, mỗi đời voi đẻ 7 - 8 lứa. Tuổi thọ 80 - 90 năm hoặc hơn. Voi thường sống ở rừng thưa, thứ sinh pha tre nứa sen nhiều trảng cỏ trong thung lũng hay vùng đồi núi thấp độ cao phân bố của voi lên tới 1500 - 1600m so với mặt biển. Sống đàn 5 - 20 con.

 

 


Giới thiệu | Tra cứu | Danh pháp | Diễn đàn | Liên hệ | Văn Bản | Trợ giúp | SVR Mobile

Mọi chi tiết xin liên hệ Admin website Sinh vật rừng Việt Nam
© Ghi rõ nguồn '
Sinh vật rừng Việt Nam' khi bạn phát hành lại thông tin từ Website này